TIN TỨC » Kiến thức

Bắc Ninh được tách ra từ tỉnh nào?

Thứ hai, 08/07/2024 16:33

Thời xưa, Bắc Ninh là vùng đất rộng lớn, gồm 4 phủ và 20 huyện, sau đó trải qua nhiều lần tách nhập rồi ổn định như ngày nay.

Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Tỉnh có địa giới hành chính tiếp giáp với các tỉnh: Bắc Giang ở phía Bắc, Hải Dương ở phía Đông Nam, Hưng Yên ở phía Nam và thủ đô Hà Nội ở phía Tây.

Vùng đất trù phú nơi đây khi xưa vốn là “xứ Kinh Bắc”, nổi tiếng với nhiều làng nghề và các lễ hội dân gian phong phú diễn ra hàng năm.

Vùng đất Bắc Ninh xưa với tên gọi Kinh Bắc đã có từ rất lâu đời và được mang tên Bắc Ninh vào thời nhà Nguyễn (năm 1823). Theo dòng lịch sử với các tên gọi khác nhau như: Bộ, Lộ, Trấn… đến năm 1831, trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Kể từ đây, Bắc Ninh chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.

Năm 1962, Bắc Giang nhập với Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc. Trung tâm tỉnh lỵ đóng ở thị xã Bắc Giang. Tỉnh Hà Bắc gồm 14 huyện và hai thị xã. Theo Báo Bắc Ninh, đề xuất nhập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được thống nhất cao nhưng đặt tên tỉnh mới là gì thì có nhiều ý kiến phân vân. Bởi lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều muốn giữ lại một chút tên làm kỷ niệm. Nhưng đặt là Ninh Giang hay Giang Ninh đều không xuôi, không ổn. Khi đó, Bác Hồ đã tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Đình Ngân, người từng đỗ cử nhân năm 19 tuổi, làm đến chức Tham tri (hàm Thứ trưởng hiện nay) trong triều đình Huế, sau năm 1945 đã đi theo cách mạng.

Cụ Nguyễn Đình Ngân cho rằng hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đều có chung chữ Bắc. Chữ ấy có ý nghĩa về lịch sử và địa lý nên giữ lại. Chữ thứ hai cần cân nhắc, tỉnh mới gần thủ đô Hà Nội, quanh thủ đô đã có Hà Đông và Hà Nam, nếu gọi Hà Bắc là thuận. Chữ Bắc nhất định phải để sau để tránh trùng cụm từ Bắc Hà. Bắc Hà trong lịch sử là vùng đất Đàng ngoài, từ sông Gianh trở ra trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài 200 năm. Sĩ phu Bắc Hà là trí thức Đàng ngoài, sinh ra chủ yếu ở đất Thăng Long và các vùng phụ cận. Sau 34 năm có tên trên bản đồ hành chính Việt Nam, đến cuối năm 1996, Quốc hội đã ban hành nghị quyết tái lập thành tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Hai tỉnh mới tái lập chính thức hoạt động từ ngày 1/1/1997.

Thành phố Bắc Ninh

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo niên giám thống kê năm 2022, dân số Bắc Ninh là 1.488.250 người, trong đó nam giới chiếm 49,2 %, nữ giới 50,8%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và 4 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn.

Bắc Ninh là tỉnh có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền Bắc. Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc. Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và giao lưu với bên ngoài.

Chùa Phật Tích

Bắc Ninh là vùng đất của quan họ

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với bề dày lịch sử văn hóa, Bắc Ninh được biết đến là quê hương của những lễ hội truyền thống. Nơi đây, mỗi năm có khoảng 500 lễ hội lớn, nhỏ được tổ chức vào tất cả các mùa trong năm… Nét văn hóa đặc sắc nhất của Bắc Ninh không thể không nhắc đến, đó là Dân ca Quan họ và những văn hóa gắn liền với loại hình nghệ thuật - nguồn tài sản văn hóa phi vật thể vô giá của nước ta.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)