Bún là một loại thực rất gần gũi với con người trong những bữa ăn gia đình. Có thể dùng bún trong làm bữa ăn chính thay thế cơm để khỏi nhàm chán trong sinh hoạt gia đình. Nhưng trên thị trường hiện nay thông tin bún chứa chất độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đó là một nỗi sợ hãi lớn cho người tiêu dùng.
Bún là món ăn ưa thích của nhiều người.
Tác hại khôn lường khi dùng bún tẩm hóa chất
Thông thường để làm ra một mẻ bún sạch thường mất khoảng 5 đến 7 ngày, tuy nhiên vì lợi nhuận một số cơ sở sản xuất đã dùng hóa chất để rút ngắn quy trình làm bún. Những hóa chất thường được sử dụng để cho vào bún là chất huỳnh quang tinopal, chất tẩy trắng funfit và hàn the.
Theo tìm hiểu, huỳnh quang là chất được dùng trong công nghiệp sơn, sản xuất vải, giấy vì có màu óng ánh, đẹp. Nếu dùng trong bún sẽ tạo độ bóng trên bề mặt sợi bún, làm cho sợi bún trông ngon mắt hơn rất nhiều.
Vì thế, nhiều người đã dùng hóa chất này trong quá trình làm bún để hút khách, bất chấp lời cảnh báo của các chuyên gia về hợp chất này rất độc hại và có khả năng gây ung thư. Đáng lo ngại hơn nữa là bún lại được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm thường xuyên dùng của người dân, tạo ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe con người về sau.
Bún tẩm hóa chất tạo ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe con người về sau.
Còn về hàn the là hóa chất không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong việc bảo quản và chế biến thực phẩm. Nếu sử dụng thực phẩm có chứa hàn the thường xuyên hay với liều lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp, lâu dần tích tụ gây ngộ đôc gan, thận rất nguy hiểm cho sức khỏe. Trẻ ăn các thực phẩm có hàn the sẽ chậm phát triển, ảnh hưởng đến gan, thận,..
Ngoài ra, chất tẩy trắng funfit cũng thường được dùng để phù phép bún đã hư hỏng trở nên trắng đẹp, mất mùi ôi thiu thành bún còn như tươi mới, rất có hại cho sức khỏe.
Cách nhận biết bún sạch hay bún chứa hóa chất
Để giữ gìn sức khỏe cho mọi người trong gia đình, các bà nội trợ thông thái hãy bỏ túi ngay những bí quyết phân biệt sợi bún sạch và bún đã được tẩm hóa chất sau đây, tránh tiền mất tật mang với những món ăn chế biến từ bún nhiễm độc hóa chất:
- Phân biệt bằng nước mắm: Với mẹo hay này bạn có thể dùng nước mắm để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất. Trước khi dùng bữa, hãy thử trộn một chút bún vào bát nước mắm, nếu sợi bún mềm và nhanh ngấm nước mắm thì đó là bún sạch. Ngược lại, sợi bún có hoá chất sẽ cứng và ít ngấm nước mắm hơn do lớp hoá chất phủ bên ngoài đã ngăn nước mắm thấm vào bên trong.
Dùng nước mắm đế nhận biết bún sạch hay bún chứa hóa chất.
- Độ dai: Để phân biệt được bún "ngậm" hóa chất hay không, các bà nội trợ nên bỏ túi mẹo hay sau. Quan sát sợi bún sạch có đội dai tự nhiên nên rất dễ đứt gãy, nát nếu bị tách mạnh tay. Khi chạm tay vào sợi bún, ta sẽ có cảm giác hơi dính, mềm nhuyễn đặc trưng của bột gạo. Còn sợi bún được tẩm ướp hóa chất thường dai, giòn, có độ đàn hồi tốt hơn, không có hoặc ít có cảm giác dính tay, mềm mại của bột gạo.
- Nhìn màu sắc: Do chế biến từ bột gạo tẻ nên sợi bún thành phẩm tự nhiên có màu trắng ngà, hơi đục, không được trắng sáng bắt mắt như sợi bún có hoá chất.
- Quan sát độ bóng: Một dấu hiệu khác để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất là độ bóng. Nhiều nhà sản xuất sử dụng hóa chất để sợi bún trông bắt mắt, thu hút sự chú ý của khách hàng. Bún loại này thường có màu trắng tinh, sợi bóng, dai hơn, trong khi bún sạch không có độ bóng, màu trắng đục.
- Nếm thử: Ngoài việc quan sát, cảm nhận bằng mắt từ bên ngoài, bún sạch và bún chứa hoá chất cũng có sự khác nhau ở hương vị khi ăn. Sợi bún sạch thường có mùi hơi chua dịu, đây là mùi chua tự nhiên của bột gạo lên men chứ không phải do bún bị hỏng. Còn sợi bún chứa hoá chất thường đã được tẩy trắng và tẩy mùi rồi nên không còn mùi chua đặc trưng đó nữa. Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt bún sạch với bún nhiễm hoá chất.
4 nhóm người nên nói không với bún
Người bị dạ dày, đại tràng
Bún là nhóm thức ăn không thích hợp với những người có bệnh ở đường tiêu hóa. Nguyên do là vì bún được làm từ bột gạo, ngâm với nước trước khi làm khoảng 1 ngày để bột nở ra. Trong thời gian này sẽ có quá trình lên men của tinh bột, vì thế khi ăn người bệnh dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, hại dạ dày. Do vậy, những người bị viêm dạ dày hoặc hội chứng dạ dày tá tràng không nên ăn bún.
Người bị dạ dày, đại tràng không nên ăn bún.
Người đang bị ốm, sốt
Người bị ốm, sốt nên ăn những món ăn nhẹ như cháo đỗ xanh, cháo thịt, hoặc soup để giảm gánh nặng cho đường tiêu hoá. Nên hạn chế ăn bún vì lúc này có thể đang yếu, ăn bún vào rất dễ bị lạnh bụng, khó tiêu và đi ngoài.
Trẻ nhỏ
Bún, mì là món ăn nhanh, dễ chế biến nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, người sản xuất bún thường cho hóa chất trong quá trình chế biến. Nếu trẻ nhỏ thường xuyên ăn bún sẽ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, tốt nhất không nên cho trẻ ăn bún quá sớm, hoặc hạn chế món này với trẻ.
Phụ nữ sau sinh
Phụ nữ sau sinh cũng là đối tượng được khuyên không nên ăn bún, bởi bún được làm từ gạo ngâm nở chua, và các hóa chất đi kèm được người sản xuất sử dụng để chế biến sẽ ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hoá của cơ thể người mẹ và bé.