Việc lau dọn và tân trang bàn thờ gia tiên vào ngày Tết là một truyền thống tốt đẹp, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, tôn trọng với tổ tiên mà còn đem lại tài lộc, may mắn và thành công cho gia đình. Từng vùng miền sẽ có cách bài trí bàn thờ gia tiên cùng các lễ nghi khác nhau, nếu gia chủ chưa biết cách trang trí bàn thờ sao cho vừa đủ lễ, vừa đẹp mắt thì gia đình có thể tham khảo cách trang trí bàn thờ ngày Tết của 3 miền Bắc, Trung, Nam trong bài viết sau đây.
Nguyên tắc trang trí bàn thờ ngày Tết
Bàn thờ gia tiên cần được đặt dựa tường để tạo vị thế vững chãi, ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Tốt nhất là nên có một phòng thờ riêng, tuy nhiên, nếu không gian nhà hạn chế thì có thể bố trí bàn thờ ở phòng khách và tuyệt đối không đặt ở phòng ngủ, phòng ăn hoặc nhà bếp.
Lưu ý khi dọn bàn thờ, người dọn dẹp cần được tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo trang nghiêm; phải có khăn lau bàn thờ riêng hoặc lau bằng khăn mới; ngoài ra, gia chủ phải dùng nước sạch để lau dọn bàn thờ và dùng rượu trắng để lau dọn tượng Phật. Bên cạnh đó, vị trí các đồ vật trên bàn thờ, đặc biệt là bát hương cần hạn chế xê dịch trong khi dọn dẹp để tránh phạm đại kỵ hoặc làm ảnh hưởng đến vận khí của gia đình.
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Bắc
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Bắc sẽ cầu kỳ và có nhiều nguyên tắc cũng như lễ nghi hơn các vùng khác, cụ thể gia chủ cần lưu ý những điều sau.
Trang trí bàn thờ ở miền Bắc
Việc lau dọn và trang trí bàn thờ cần được hoàn thành trước ngày 30 Tết để đón một năm mới nhiều niềm vui và may mắn.
- Chính giữa bàn thờ cần đặt một bát hương to cùng 2 bát hương nhỏ hơn để tạo thế tam tài.
- Hai cây đèn dầu tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời cần được đặt ở góc ngoài cùng và đối xứng nhau.
- Tương tự, 2 bình hoa cúng cũng được đặt đối xứng hai bên bàn thờ. Hoa cần chọn hoa tươi và không được trưng hoa giả hoặc trái cây giả vì theo quan niệm miền Bắc thì hành động này thể hiện sự bất kính với tổ tiên.
- Trên bàn thờ cần có 3 chén rượu, 3 chén nước sạch cùng 1 bình rượu hồ lô. Ngoài ra, gia đình miền Bắc cũng sử dụng hương vòng và đốt liên tục trong những ngày Tết.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả miền Bắc cần có đủ 5 loại trái cây theo ngũ hành Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ tương ứng với trái cây màu trắng, xanh lá, đen, đỏ và vàng. Gia chủ có thể bài trí các loại trái cây như: Chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, thanh long, mãng cầu, ớt,…
Để bài trí mâm ngũ quả đẹp mắt, gia chủ cần đặt nải chuối xanh phía dưới, chính giữa đặt bưởi hoặc phật thủ, các loại quả nhỏ hơn sẽ đặt xung quanh, nếu còn chỗ trống thì xen kẻ thêm ớt hoặc quất.
Mâm cơm cúng miền Bắc
Với mâm cơm cúng ngày Tết, các gia đình miền Bắc sẽ bày biện bát dĩa theo số chẵn 4, 6, hoặc 8. Trong đó, 4 bộ bát dĩa tượng trưng cho tứ trụ, 6 hoặc 8 bộ bát dĩa mang ý nghĩa phát tài phát lộc.
Với món ăn sẽ có 1 bát mọc, 1 bát miến nấu lòng gà, 1 bát canh chân giò hầm hoặc măng lưỡi heo, 1 dĩa bánh chưng, 1 dĩa xôi, 1 dĩa giò, 1 dĩa nộm, 1 dĩa dưa hành muối, 1 dĩa thịt gà luộc và 1 dĩa nem rán hoặc thịt đông. Thêm một điểm mà gia chủ cần lưu ý là mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết vào ngày 30 và mùng 1 Tết phải dùng gà trống.
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Trung
Bàn thờ của các gia đình ở miền Trung sẽ được bài trí đơn giản hơn, nhưng vẫn đảm bảo đủ lễ, gọn gàng và đẹp mắt. Mâm ngũ quả miền Trung không dùng những loại quả có vị đắng mà chỉ dùng những loại quả có vị ngọt và lâu hỏng để bày lên bàn thờ. Các loại quả thường dùng bao gồm: Dưa hấu, thanh long, chuối, dứa, cam, quýt,…
Với mâm cơm cúng gia tiên miền Trung, mỗi món ăn sẽ được chia thành từng dĩa nhỏ và có các món như: Bánh tét, nem chua chả lụa, chả ram, gà luộc, rau xào, canh miến, cá kho, tôm rim,…
Cách trang trí bàn thờ ngày Tết miền Nam
Người miền Nam sẽ trang trí bàn thờ ngày Tết không quá cầu kỳ và nhiều nguyên tắc. Mâm ngũ quả miền Nam sẽ có mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài tương ứng với quan niệm “cầu vừa đủ xài” cùng một số loại quả khác như: Chuối, cam, quýt, sung, táo,…
Mâm cúng gia tiên miền Nam không chú trọng quá nhiều về mặt hình thức mà thiên hướng về khẩu vị gia đình nhiều hơn. Mâm cơm cúng sẽ có các món như: Bánh tét, củ kiệu, thịt kho tàu, thịt luộc, giò chả, chả ram,… và đặc biệt là canh khổ qua nhồi thịt với ý nghĩa là mọi khổ ải sẽ qua đi để chào đón một năm mới vui vẻ, nhiều may mắn và tài lộc.
Việc trang trí bàn thờ gia tiên, trưng mâm ngũ quả và nấu mâm cơm cúng vào ngày Tết là truyền thống từ xa xưa của ông cha ta không chỉ thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên mà còn mang lại nhiều may mắn, tài lộc và vận khí tốt đẹp trong năm mới. Mỗi vùng miền sẽ có các cách bài trí, loại trái cây và món ăn khác nhau sao cho phù hợp với phong tục cũng thức ăn ở vùng miền đó. Trên đây là cách trang trí bàn thờ ngày Tết 3 miền Bắc - Trung - Nam mà gia đình có thể tham khảo.
*Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm