TIN TỨC » Kiến thức

Bánh ú tro là bánh gì? Tại sao nhất định phải ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ?

Thứ tư, 12/06/2024 09:26

Ngoài trái cây chua, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ (Tết giết sâu bọ) còn có cơm rượu, bánh ú tro.

Tết Đoan Ngọ là ngày mở đầu những ngày nóng nhất trong năm. Mùa hè nóng ẩm, sâu bọ, vi trùng phát triển gây hại cho mùa màng và sức khỏe con người. Trong ngày này, cơm rượu nếp, bánh tro thường "cháy hàng".

Bánh ú tro là một một sản phẩm không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ

Bánh ú tro là bánh gì?

Bánh tro, bánh gio, bánh ú tro, bánh lẳng, bánh âm, bánh coóc mò hay bánh nẳng là một loại bánh được làm với thành phần chính là gạo nếp ngâm qua nước tro (từ tro than lá cây, nhất là lá tre) và gói lá đem luộc chín trong nồi. Phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam tới mức có bài báo cho rằng bánh độc đáo và "thuần Việt" nhưng cũng thường thấy nó tương đồng với bánh gio Nhật Bản với tên gọi akumaki và bánh kiềm tống xuất xứ Trung Quốc. Loại bánh này trước kia thường xuất hiện trong lễ cúng gia tiên của người Việt vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch bên cạnh các loại trái cây khác và thịt, xôi, chè. Hiện nay, bánh tro được làm và bán quanh năm trên khắp các vùng miền trong cả nước.

Tên gọi bánh tro (hay gio), bánh nẳng xuất phát từ phụ liệu cốt yếu nhất làm nên đặc trưng của bánh là nước tro (còn gọi là nước nẳng) pha chế từ tro than thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc, dược liệu. Bánh ú tro là tên gọi còn gợi tả cả hình dạng của bánh, do bánh thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Đa phần người ta gọi là bánh tro hay bánh gio. Ở vùng núi Đông Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng người ta gọi là bánh coóc mò. Ở vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ người ta gọi là bánh nẳng. Một số vùng ở Bắc Ninh, Hưng Yên lại gọi là bánh âm...

Bánh ú tro ăn kèm với mật mía để tăng hương vị

Tết Đoan Ngọ nhất định phải có bánh ú tro

Ngoài miền Bắc chú trọng bánh gio, thì ở các tỉnh miền Trung, món không thể thiếu trong mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ vài chục bánh trở lên. Bánh ú tro có nhiều tên gọi khác nhau như bánh ú, bánh gio và bánh âm và tuỳ theo vùng miền sẽ có nhiều biến thể và được gói dưới nhiều hình dạng khác nhau.

Bánh có vị ngọt vừa, mềm dẻo, màu trong đặc trưng, dễ ăn, dễ tiêu, mát ruột, vì thế dân gian cho rằng, nhất định phải ăn trong Tết Đoan Ngọ với tâm niệm tẩy trừ sâu bọ, cầu may mắn. Ngoài ra, theo truyền thống của người miền Nam, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này. Tại TP.HCM, vịt quay, heo quay ngày này thường tăng hơn so với ngày thường.

Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới