TIN TỨC » Kiến thức

Bảo hiểm có chi trả chi phí sửa xe do ngập nước không? Làm thế nào để thanh toán bảo hiểm khi xe ngập nước

Thứ tư, 24/07/2024 22:45

Ô tô bị ngập nước thường để lại hậu quả hư hỏng nặng nề về động cơ cũng như các bộ phận khác trên xe. Nếu chủ xe không mua bảo hiểm cho ô tô ngập nước thì sẽ tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa và khắc phục hậu quả.

Gần đây, những cơn mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường tại các thành phố chìm trong biển nước. Nhiều nơi mực nước ngập sâu khiến rất nhiều xe ô tô bị ngập nước, thủy kích. Và tùy từng trường hợp, việc đánh giá thiệt hại khi xe bị ngập nước ở từng vụ việc là khác nhau. Theo các chủ garage sửa chữa xe, nếu xe bị ngập nước, thiệt hại nhẹ nhất cũng khoảng 30% giá trị xe, còn ngập nặng tới nắp capo thì khó “cứu” được động cơ, chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nếu chủ xe không mua bảo hiểm cho ô tô ngập nước thì sẽ tốn rất nhiều chi phí để sửa chữa và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên việc bồi thường bảo hiểm xe ô tô phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng khi chủ xe ký với bên bán bảo hiểm.

Bảo hiểm có chi trả chi phí sửa xe do ngập nước không?

Bảo hiểm ô tô ngập nước là điều khoản thuộc quyền lợi bổ sung khi khách hàng tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô. Ngoài những quyền lợi chính được hưởng thì chủ xe có quyền lựa chọn tham gia thêm các điều khoản, quyền lợi bổ sung để bảo vệ chiếc xe của mình một cách toàn diện. Những điều khoản này sẽ giúp chủ xe được bồi thường bảo hiểm xe ô tô, giảm chi phí sửa chữa cho chủ xe nếu động cơ xe không may hư hỏng do ngập nước.

Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô thông thường đều bao gồm các phạm vi bảo hiểm: bảo hiểm cho tai nạn bất ngờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của chủ xe, lái xe trong những trường hợp va chạm, hỏa hoạn, bị các vật thể khác rơi, va chạm vào; bảo hiểm cho những thiên tai bất khả kháng.

Trường hợp đang đỗ trong gara hoặc ngoài đường mà bị ngập nước do nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai dẫn đến hỏng hóc thì sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường chi phí sửa chữa, bao gồm cả các vấn đề về hệ thống điện do ngập nước. Còn nếu xe bị gặp vấn đề về điện hoặc động cơ do xe hoạt động trong vùng ngập nước (bao gồm cả ngập do mưa lũ lớn) thì được đưa vào mục điều khoản loại trừ, chủ xe không nhận được bồi thường.

Bảo hiểm sẽ chi trả chi phí sửa xe do ngập nước tùy vào từng trường hợp.

Cần lưu ý rằng trong quy tắc bảo hiểm và bồi thường tổn thất thường quy định: Hư hỏng động cơ do xe hoạt động trong vùng/ đường đang bị ngập nước hoặc do nước lọt vào động cơ gây nên hiện tượng thủy kích là trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm vật chất.

Thủy kích là hiện tượng xe bị hư hỏng do ngập nước. Các trường hợp xe bị thủy kích:

• Trường hợp 1: Xe đang nổ máy và đi qua vùng ngập nước khiến nước tràn vào động cơ, gây ra hư hại.

• Trường hợp 2: Xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước và đột ngột bị tắt máy. Tuy nhiên người lái xe vẫn cố tình khởi động xe khiến nước tràn vào làm động cơ bị hư hỏng nặng.

Nếu chủ xe đã mua bảo hiểm ô tô trong đó có tham gia thêm quyền lợi bổ sung bao gồm điều khoản bồi thường xe bị thủy kích ở phụ lục thì sẽ được phía công ty bảo hiểm xem xét và bồi thường khi bị thủy kích. Mức phí khi đăng ký thêm quyền lợi bảo hiểm này chỉ bằng khoảng 0,1% giá trị xe một năm (đối với xe sử dụng dưới 3 năm). Ví dụ, giá trị chiếc xe của bạn là 1 tỷ đồng thì phí bảo hiểm thủy kích ô tô mỗi năm là 1 triệu đồng. Tuy nhiên còn tùy vào tính chất và nguyên nhân xe bị thủy kích mà hãng bảo hiểm sẽ xem xét chủ xe có nhận được bồi thường hay không.

• Trong trường hợp 1, xe bị thủy kích có thể sẽ nhận được bồi thường từ công ty bảo hiểm lên đến 100% chi phí sửa chữa nếu điều khoản này có trong hợp đồng. Tuy nhiên, đa số công ty bảo hiểm chỉ đền bù 70-80% chi phí sửa sữa cho trường hợp này với lý do khách hàng phải có trách nhiệm tự cân nhắc có nên tiếp tục đi vào đường bị ngập hay không.

• Trường hợp 2, hầu hết các công ty bảo hiểm sẽ từ chối đền bù cho những hư hỏng, thiệt hại vì đây hoàn toàn là lỗi chủ quan của lái xe.

Khi tham gia bảo hiểm thủy kích, chủ xe cũng sẽ được đội cứu hộ của công ty bảo hiểm hỗ trợ, giúp khắc phục sự cố nhanh chóng và giảm thiệt hại xuống mức tối đa.

Ngoài ra, mức bồi thường thiệt hại đối với những ảnh hưởng do thiên tai còn phải căn cứ vào thiệt hại thực tế. Việc này sẽ được giám định tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm để bồi thường cho chủ xe theo quy định.

Bên cạnh đó, để tránh những thiệt hại không đáng có trong các tình huống lái xe vào vùng ngập, người lái cũng nên xác định xem xe của mình có khả năng lội qua hay không. Mực nước an toàn xe ô tô có thể đi qua là dưới 25 cm và không được vượt quá ½ chiều cao bánh xe. Nếu mực nước bên ngoài cao quá thì không nên cho xe đi qua. Đồng thời, lưu ý các kinh nghiệm, kỹ năng lái xe qua vùng ngập nước để đảm bảo an toàn và hạn chế hỏng hóc.

Làm thế nào để thanh toán bảo hiểm khi xe ngập nước?

Dưới đây là tất cả quy trình giám định, yêu cầu bồi thường bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe ô tô mà người đóng bảo hiểm cần biết để bảo vệ quyền lợi, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

1. Quy trình yêu cầu bảo hiểm xe ô tô

Thủ tục yêu cầu bồi thường chi phí sửa chữa động cơ ô tô bị hỏng do nước hoặc ngâm trong nước cũng tương tự như các trường hợp bảo hiểm pháp lý khác. Theo đó, quy trình tham khảo như bên dưới:

• Bước 1: Gửi thông báo tai nạn bằng văn bản cho công ty bảo hiểm càng sớm càng tốt. Đây là bước bắt buộc đầu tiên để bắt đầu quy trình yêu cầu bồi thường với công ty bảo hiểm.

• Bước 2: Xử lý sơ bộ tai nạn. Theo mức độ thiệt hại, giám định viên từ công ty bảo hiểm sẽ xác định xem đây có phải do lỗi của bên thứ 3, thiệt hại bất khả kháng hay không. Ngoài ra, chủ xe có thể sẽ cần xác nhận thiệt hại từ phía cảnh sát giao thông, hoặc các bộ phận liên quan tại nơi tai nạn xảy ra.

• Bước 3: Công ty bảo hiểm và các bên liên quan sẽ tiến hành giám định. Kết quả giám định phải có chữ ký của giám định viên thì mới dẫn đến được quyết định sửa chữa, thay thế hư hỏng hay không.

• Bước 4: Xử lý yêu cầu bảo hiểm ô tô. Công ty bảo hiểm sẽ đảm bảo thanh toán tại địa điểm sửa chữa sau khi nhận đủ hồ sơ, chứng từ. Chính chủ ký nghiệm thu, ký hợp đồng, giao xe.

2. Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm thủy kích xe ô tô

Công ty bảo hiểm sẽ hỗ trợ chủ xe liên hệ với các bên liên quan (nạn nhân, cảnh sát giao thông…) để hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường. Từ đó, các tài liệu cần thiết trong bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm thủy kích bao gồm:

• Các giấy tờ liên quan đến xe: Đăng ký xe, giấy phép lái xe.

• Giấy tờ tùy thân khác của chủ xe: Thẻ căn cước công dân, hộ chiếu…

• Hồ sơ chứng thương cá nhân (bản sao của bệnh viện / cơ sở y tế hoặc bản sao giấy chứng nhận của công ty bảo hiểm): giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy chứng thương, giấy chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng sinh tại bệnh viện, giấy chứng tử (trong trường hợp nạn nhân tử vong), …

• Các giấy tờ chứng minh thiệt hại tài sản (bản gốc):

• Hóa đơn/ Giấy tờ chứng minh chi phí sửa chữa hoặc thay mới phần tài sản bị thiệt hại do chủ xe thực hiện tại các xưởng sửa chữa do công ty bảo hiểm đồng ý/ chỉ định;

• Giấy tờ từ cơ quan có thẩm quyền về tai nạn (bản sao, biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, hình ảnh (nếu có);

• Biên bản khám nghiệm xe hơi có liên quan, thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu, các tài liệu khác có liên quan đến tai nạn.

3. Tạm ứng bồi thường bảo hiểm thủy kích

Theo luật, nếu bạn đã mua bảo hiểm thủy kích thì chắc chắn sẽ được bồi thường khi xe bị thủy kích. Đồng thời, theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 103/2008 / NĐ-CP, khi chưa xác định hết thiệt hại, công ty bảo hiểm cần phải lập tức tạm ứng các chi phí cần thiết và hợp lý trong phạm vi hợp đồng bảo hiểm xe hơi để cố gắng khắc phục các hư hỏng.

Mức tạm ứng sẽ được dựa vào mức độ thiệt hại tài sản căn cứ vào tình trạng thiệt hại thực tế tại thời điểm xảy ra tai nạn.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới