Một câu chuyện hy hữu đã xảy ra vào năm 1976 tại một ngôi làng ở Cao Bưu, Trung Quốc khi một người thợ vô tình khám phá ra một "bảo vật" vô giá trong quá trình phá dỡ một ngôi nhà cổ 300 năm tuổi. Sự kiện này không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn làm sáng tỏ một phần lịch sử mỹ thuật Trung Quốc.
Bảo vật trị giá 1.650 tỷ đồng trong ngôi nhà cổ 300 năm
Theo đó, khi chủ nhà quyết định phá bỏ căn nhà cổ để xây dựng một ngôi nhà mới, một người thợ trong đội phá dỡ đã phát hiện ra một vài bức tranh đặc biệt ẩn mình trong đống đổ nát. Ban đầu, người thợ này không nhận thức được giá trị thực sự của chúng, chỉ đơn giản thấy những bức tranh này tuy đã bạc màu nhưng vẫn toát lên vẻ tinh xảo đặc biệt. Sự tò mò đã thôi thúc nhiều người dân trong làng đến xem, nhưng không ai có thể xác định được nguồn gốc của những tác phẩm nghệ thuật này.
Sau đó, chủ nhà đã mang những bức tranh này đến chợ đồ cổ với hy vọng tìm được người am hiểu. Tuy nhiên, ngay cả những người chuyên buôn bán đồ cổ cũng không dám ra giá vì không thể xác định được lai lịch của chúng. Cuối cùng, chủ nhà đã quyết định tìm đến các chuyên gia để thẩm định.
Kết quả khiến tất cả phải ngỡ ngàng: những bức tranh này không ai khác chính là tác phẩm của Nghê Toản, một trong những danh họa hàng đầu của dòng tranh sơn thủy trong lịch sử Trung Quốc thời nhà Nguyên. Các chuyên gia ước tính giá trị của những bức tranh này lên đến 1.653 tỷ đồng. Với tinh thần dân tộc và sự tôn trọng đối với di sản văn hóa, chủ nhà đã quyết định giao nộp những bức tranh cổ này cho Nhà nước.
Sau quá trình phục hồi tỉ mỉ, các chuyên gia càng thêm kinh ngạc trước kỹ thuật vẽ tranh độc đáo và sáng tạo của Nghê Toản. Những bức tranh sau đó đã được đưa đến Bảo tàng Vô Tích, quê hương của danh họa, để lưu giữ và trưng bày, trở thành một phần quan trọng của di sản văn hóa Trung Quốc.
Nghê Toản sinh ra trong một gia đình giàu có ở Vô Tích, Giang Tô, không chỉ được biết đến là một họa sĩ tài ba mà còn là một người có tinh thần học hỏi và tu dưỡng bản thân. Ông được xem là một trong bốn họa sĩ xuất sắc nhất thời nhà Nguyên. Dù đã sáng tác rất nhiều tác phẩm nhưng phần lớn đã bị thất lạc theo thời gian, khiến cho những tác phẩm còn sót lại trở nên vô cùng quý giá và được giới sưu tầm săn lùng với mức giá cao ngất ngưởng.