Câu chuyện về bọ gấu nước bắt đầu từ năm 1702, khi nhà khoa học người Hà Lan Anton van Leeuwenhoek tình cờ phát hiện ra chúng trong bùn ở máng xối trên nóc nhà mình. Tuy nhiên, phải đến hơn 7 thập kỷ sau, nhờ những nghiên cứu của tu sĩ kiêm nhà khoa học người Ý Lazzaro Spallanzani, loài sinh vật này mới thực sự gây được tiếng vang lớn trong giới khoa học. Bọ gấu nước được công nhận là loài sở hữu “siêu năng lực” với khả năng chịu đựng đáng kinh ngạc.
Bọ gấu nước - Sinh vật 'sống dai như đỉa', khó hủy diệt nhất Trái đất
Điểm đặc biệt của bọ gấu nước nằm ở cấu tạo cơ thể nhỏ bé nhưng vô cùng bền bỉ. Chúng có khả năng “ngủ đông” khi thiếu nước, và dù bị đưa vào môi trường có nhiệt độ cực thấp (-200°C) hay cực cao (151°C), chúng vẫn sống sót một cách dễ dàng. Chỉ cần được hồi phục lại môi trường nước, bọ gấu nước lại nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, như chưa có gì xảy ra.
Tiến sĩ Thomas Boothby từ Đại học Bắc Carolina giải thích rằng, sự bất tử của bọ gấu nước đến từ những gene đặc biệt, cho phép chúng tồn tại trong những điều kiện sống khắc nghiệt nhất. Nghiên cứu năm 2017 còn chỉ ra rằng, loài vật này sở hữu các protein đặc biệt có thể phong tỏa các thành phần tế bào dễ bị tổn thương, ngăn chặn sự phá hủy của màng, protein và ADN. Chính nhờ cơ chế này mà bọ gấu nước có thể vượt qua được các thử thách khắc nghiệt như đóng băng, đun sôi, khô hạn, hay thậm chí là áp suất lên đến 600 megapascal, gấp 6 lần áp suất đáy biển.
Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà khoa học còn tiếp tục thử nghiệm khả năng chịu đựng của bọ gấu nước bằng cách đưa chúng lên vũ trụ. Tại đây, chúng phải đối mặt với bức xạ mặt trời và tia gama. Kết quả vẫn không thay đổi, bọ gấu nước vẫn sống sót một cách ngoạn mục. Chúng không chỉ chịu được bức xạ mà còn có khả năng tự sửa chữa ADN, phục hồi nhanh chóng sau những tác động của tia xạ. Từ đó, giới khoa học tin rằng, chỉ có sự hủy diệt của Mặt trời mới có thể khiến loài sinh vật này biến mất hoàn toàn.
Sức sống mãnh liệt của bọ gấu nước đã khơi dậy những ý tưởng táo bạo. Nhà di truyền học Chris Mason từ Đại học Weill Cornell (Mỹ) đã đề xuất ý tưởng lai ghép DNA của con người và bọ gấu nước. Theo ông, việc này có thể giúp con người có khả năng chống chịu tốt hơn với các điều kiện khắc nghiệt trong vũ trụ, mở ra khả năng thám hiểm không gian sâu rộng hơn.