TIN TỨC » Kiến thức

Biệt phủ lớn nhất Trung Quốc xây trong 300 năm, diện tích kiến trúc rộng hơn cả Tử Cấm Thành

Thứ bảy, 19/10/2024 08:29

Vương gia đại viện, hay còn gọi là biệt phủ nhà họ Vương được công nhận là biệt phủ lớn nhất Trung Quốc.

Biệt phủ nhà họ Vương, nằm ở huyện Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Đây là công trình dân cư lớn nhất Trung Quốc thời xưa, cũng là quần thể kiến trúc được bảo tồn hoàn hảo nhất và lớn nhất tỉnh Sơn Tây. Quần thể kiến trúc được xây trong nhiều đời. Năm 2006, nơi này được xếp hạng di tích lịch sử trọng điểm quốc gia cấp 4A.

Biệt phủ nhà họ Vương được công nhận là biệt phủ lớn nhất Trung Quốc.

Theo truyền thông, tòa biệt phủ vài trăm năm tuổi có tổng diện tích kiến trúc 250.000 m2, gấp 1,6 lần diện tích kiến trúc của Tử Cấm Thành (tổng diện tích xây dựng Tử Cấm Thành là 720.000 m2, nhưng diện tích kiến trúc chỉ là 150.000 m2). Bên trong biệt phủ họ Vương có 123 viện nhỏ, 1.118 gian nhà, đều tựa lưng vào núi, cửa chính quay về hướng nam. Đây là hướng phong thủy tốt, đón gió mát mùa hè và chắn gió lạnh mùa đông.

Biệt phủ họ Vương có tổng diện tích kiến trúc 250.000 m2, gấp 1,6 lần diện tích kiến trúc của Tử Cấm Thành (150.000 m2).

Nằm cách trung tâm huyện Linh Thạch khoảng 12km về phía đông, biệt phủ được đại gia tộc xây dựng trong khoảng thời gian hơn 300 năm dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Biệt phủ được đại gia tộc họ Vương xây dựng trong khoảng thời gian hơn 300 năm dưới triều đại nhà Minh và nhà Thanh.

Nhìn tổng thể lối kiến trúc, các chuyên gia nhận định đây là công trình đại diện tiêu biểu cho kiểu kiến trúc dân cư thời nhà Thanh. Trên tổng diện tích 250.000m2, các khoảng không gian được tận dụng triệt để với tòa nhà san sát nhau, tạo cảm giác hoành tráng khi nhìn từ trên cao. Ở khu phức hợp bên phải có 35 sân lớn nhỏ với hơn 300 gian phòng. Công trình còn nhiều công trình phụ như phòng ăn chung, phòng dệt... Tất cả đều kết nối với nhau bằng khoảng sân chung.

Biệt phủ nhà họ Vương là bên trong có nhiều tác phẩm điêu khắc trên gỗ, đá và gạch...

Điều độc đáo ở biệt phủ nhà họ Vương là bên trong có nhiều tác phẩm điêu khắc trên gỗ, đá và gạch, với chủ đề phong phú từ truyện dân gian, chim chóc và động vật quý hiếm cho tới kỹ thuật chạm nổi, chạm nông.

Tổ tiên nhà họ Vương sinh sống ở Lang Nha, gần Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ngày nay. Họ di cư dần về hướng tây và tới năm 1313, gia chủ Vương Thành Trai đưa cả tộc tới thôn Tĩnh Thăng khai hoang, định cư ở đó hơn 600 năm.

Trong quá khứ, nhà họ Vương là gia tộc buôn bán giàu có và thế lực.

Từ thời nhà Minh, nhà họ Vương bắt đầu kinh doanh buôn bán và đến đầu nhà Thanh, quy mô kinh doanh bao trùm nhiều lĩnh vực, từ những mặt hàng truyền thống như lương thực, ngựa, chuyển sang các mặt hàng lợi nhuận cao hơn như muối, trà...

Khi chiến tranh loạn lạc khiến cả gia tộc họ Vương ly tán, con cháu phải bán bớt một phần nhà cửa.

Nhà họ Vương trở thành một trong tứ đại gia tộc ở huyện Linh Thạch và biệt phủ không ngừng mở rộng từ năm 1654 tới 1820 dưới các triều đại Khang Hi, Ung Chính, Càn Long và Gia Khánh. Trải qua nhiều biến cố, nhà họ Vương dần suy yếu nhưng vẫn là dòng họ giàu nhất huyện Linh Thạch, cho tới khi chiến tranh loạn lạc khiến cả gia tộc ly tán, con cháu phải bán bớt một phần nhà cửa.

Biệt phủ họ Vương ngày nay được trùng tu và bảo tồn trở thành điểm tham quan hút khách du lịch.

Đến nay, biệt phủ này được trùng tu và bảo tồn trở thành điểm tham quan hút khách khi tới tỉnh Sơn Tây. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian nhưng công trình vẫn phần nào giữ được vẻ hoa lệ của hàng trăm năm trước.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới