TIN TỨC » Kiến thức

Bồi thường thiệt hại khi gây tai nạn có được giảm nhẹ tội?

Thứ ba, 14/01/2025 08:11

Các tội xâm phạm an toàn giao thông nói chung và về tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ nói riêng xảy ra thường xuyên trong cuộc sống và gây nhiều đau thương, mất mát cho xã hội về người và tài sản.

Theo quy định, người gây tai nạn làm hậu quả chết người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự và trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, người gây ra là hậu quả chết người nên phải chịu trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lý cho việc cứu chữa nạn nhân; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản tiền bù đắp tinh thần cho người thân nạn nhân.

Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Về trách nhiệm hình sự, người gây tai nạn sẽ bị truy cứu theo Khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.

Người gây tai nạn làm hậu quả chết người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự và trách nhiệm hình sự theo quy định. (Ảnh minh họa)

Việc bồi thường cho gia đình người bị hại, người gây ra tai nạn sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015:

Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

Hơn nữa, sau khi bồi thường, gia đình người bị hại có làm đơn yêu cầu không khởi tố hình sự đối với người gây ra tai nạn. Trong thực tế, nhiều Tòa án coi đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự:

2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Như vậy sau khi bồi thường thiệt hại, người gây ra tai nạn có có thể có đến 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, người gây ra tai nạn thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi thì được hưởng thêm 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cộng thêm với không có tình tiết tăng nặng, có nơi cư trú rõ ràng thì người gây ra tai nạn đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để hưởng án treo theo Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP:

Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

(Ảnh minh họa).

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới