Mâm ngũ quả là một trong những lễ vật dâng lên ban thờ không thể thiếu của mỗi gia đình Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về.
Bày mâm ngũ trong ngày Tết cũng là một cách giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của người dân Việt Nam. Chính vì vậy, các gia đình Việt, dù ở bất cứ nơi đâu, đến ngày Tết cổ truyền vẫn không quên phong tục này như một sự nhắc nhở cho chính bản thân và cho con cháu nhớ về nguồn cội.
Về mặt phong thủy, mâm ngũ quả còn tượng trưng cho mong muốn âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển.
Khi bày mâm ngũ quả ngày Tết, hoa quả thường bày trên một cái mâm hoặc đĩa to, đẹp một cách trang trọng, có thể đặt trên chồng bánh chưng để tạo dáng uy nghiêm, thành kính hơn.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng hoa quả bày trên mâm ngày Tết không nhất thiết phải là số 5 cứng nhắc nữa, nguyên nhân nằm ở việc mỗi người có một quan điểm thẩm mỹ và một cách để bày tỏ sự hiếu thảo đến với tổ tiên riêng. Những gia đình có điều kiện thì bày đến 8, 9 hay thậm chí là 10 loại quả.
Số quả bày trên mâm dù là chẵn hay lẻ cũng không quá quan trọng, và dù có bao nhiêu loại quả thì người ta vẫn gọi tên là mâm ngũ quả.
Dù mỗi miền có cách lựa chọn và bày trí mâm ngũ quả khác nhau, mâm ngũ quả dâng cúng trong đêm Giao thừa vẫn mang ý nghĩa chung: dâng lên tổ tiên những loại quả ngon để thể hiện lòng hiếu thảo và ước muốn những điều tốt đẹp, vạn sự bình an sẽ đến với gia đình. Mâm ngũ quả ngày Tết còn tượng trưng cho mong muốn âm dương hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển. Dưới đây là một số ý nghĩa của các loại quả mà bạn có thể tìm hiểu:
Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn năm mới đầy ngọt ngào, may mắn.
Hồng, quýt: rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
Chuối: Tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che
Lê (hay mật phụ): ngọt, thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
Lựu: nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Đào: thể hiện sự thăng tiến.
Phật thủ: Bàn tay phật che chở cho cả gia đình.
Táo (loại trái to màu đỏ tươi): mang ý nghĩa phú quý.
Thanh long: ý rồng mây gặp hội.
Quả trứng gà có hình trái đào tiên: lộc trời.
Dừa: có âm tương tự như là “vừa”, có nghĩa là không thiếu.
Sung: gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
Đu đủ: mang đến sự đầy đủ, thịnh vượng.
Xoài: có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
Mãng cầu: cầu chúc mọi sự được như ý, làm ăn suôn sẻ, sức khỏe dồi dào.
Mâm ngũ quả miền Bắc
Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp, đúng chuẩn phải là một mâm ngũ quả có đầy đủ các loại trái cây như: chuối xanh, bưởi, phật thủ, sung, hồng, quất cảnh, ớt, dứa,... với màu sắc rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo Ngũ hành.
Miền Trung
Dải đất miền Trung thường gặp phải thiên tai, bão lũ, hạn hán quanh năm nên đất đai cũng không được màu mỡ, ít cây trái. Vì vậy, mâm ngũ quả của người miền Trung rất đơn giản, không câu nệ hình thức, có gì cúng nấy, miễn thành tâm là được.
Miền Nam
Người miền Nam bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài” ước mong năm mới đủ đầy, sung túc, tương ứng với 5 loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.
Bên cạnh đó, người miền Nam không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), cam, quýt (Quýt làm cam chịu),…