Cây hương thảo những năm gần đây được rất nhiều người ưa chuộng. Vì loại cây này ngoài có thể làm cảnh, còn được sử dụng trong chế biến các món ăn như: thịt hầm, thịt rô ti, thịt nướng, làm bánh… Ngoài ra, hoa hương thảo còn được dùng để tạo mùi thơm cho những món ăn hay món tráng miệng. Giá thành của cây hương thảo cũng không quá đắt nên được rất nhiều chị em mua về trồng trong chậu đặt ở sân thượng hoặc ban công.
Cây hương thảo có thể dùng trong chế biến, trang trí món ăn.
Dưới đây là một số bí quyết nhỏ trong việc trồng, chăm sóc và giâm cành loại cây này cho những ai chưa có kinh nghiệm.
Chọn cành giâm
- Nên tỉa những cành phụ, cành tại những vị trí lá xum xuê hay mọc thừa để tỉa. Nhằm tập trung cho các cành chính phát triển.
- Hoặc tỉa những cành từ các cây đang sắp chết, những cành có nguy cơ héo. Xác định không cứu được thì hãy nhanh tay cắt cành để giâm trồng cây mới.
- Dùng kéo sắc cắt cành, tỉa những nhánh lá ở phần thân gỗ đi. Lưu ý là dùng kéo cắt không nên lấy tay bứt xuống.
Cách giâm cành
- Cách 1: Ngâm vào nước, tỉ lệ thành công là 80%. Sau khi cắt cành thì ngâm vào cốc nước nhỏ. Sao cho nước ngập phần thân gỗ. Nên dùng nước lọc và thay nước hàng ngày. Để chỗ nắng nhẹ và mát. Sau khoảng 1 tuần là cây ra rễ. Khi nào rễ ra nhiều và dài tầm 2 cm thì mang trồng xuống đất.
- Cách 2: Giâm trực tiếp cành vừa cắt xuống đất ẩm tỉ lệ sống 50%.
Cách trộn đất
- Đất trộn bao gồm: Đất thịt, sỉ than (tốt nhất nếu có), trấu hun, phân trùn quế hoặc phân bò.
- Chậu trồng cây tốt nhất nên là chậu gốm, sứ, đất nung sẽ thoáng hơn chậu nhựa. Dĩ nhiên chậu nhựa vẫn được nhưng cần để ý chăm hơn. Chậu nên nó lỗ thoát nước tốt.
- Dưới đáy chậu có thể lót sỉ than đập miếng to, hoặc cục xốp cứng, hay đá, sỏi đều được.
- Khi trồng bầu cây vào chậu nên theo thứ tự lót gỉ than trước, sau đó đặt bầu cây vào rồi mới rải đất trộn vào cho kín chậu.
- Sau khi trồng xong thì tuần đầu nên tưới thường xuyên giữ đất ẩm. Sau khi thấy cây ổn rồi thì tưới ít dần.
Cách chăm sóc và trị bệnh cho cây
- Cây bị đen lá và rụng
Đây là hiện tượng phổ biến nhất. Nguyên nhân là thừa nước hoặc thiếu ánh sáng.
Nếu thừa nước: Đất được coi là thừa nước đó là sờ vào mặt đất lúc nào cũng ẩm, hoặc ấn tay xuống thấy đất lõm xuống.
Nếu vào mùa hè, cây trồng tại nơi có nhiều nắng thì có thể tưới mỗi ngày 1 lần vào buổi sáng sớm. Không tưới lên lá, tưới vào gốc. Vào mùa thu hay mùa mưa mát mẻ hơn, có thể tưới 2 - 3 ngày thậm chí tuần 1 lần.
Cách khắc phục đó là ngưng tưới, kê cao đáy chậu, tuốt hết lá đen và cành hỏng đi. Sau vài ngày mà tình hình không khả quan thì dỡ cây ra khỏi chậu, phơi bầu đất cho khô bớt nước và trồng lại vào chậu thoát nước tốt hơn. Lót vào đáy chậu gỉ than, cục xốp hay đá sỏi và đất trộn thì đập nhỏ gỉ than trộn cùng.
Nếu cây thiếu ánh sáng: Cây cần ánh sáng trực tiếp ít nhất 6 tới 8 giờ một ngày để có thể phát triển khỏe mạnh.
Tốt nhất không nên trồng hương thảo trong nhà, trong phòng kín hay có điều hòa, nếu trồng cạnh cửa sổ thì cũng nên là nơi có nhiều nắng. Nơi thích hợp là ban công có nắng và sân vườn, sân thượng.
- Cây bị rũ ngọn, lá héo
Đây là hiện tượng thiếu nước. Kiểm tra đất thấy khô cứng và đã lâu ngày không tưới.
Cách khắc phục đó là tưới bổ sung nước. Nếu đúng là thiếu nước thì ngay ngày hôm sau cây đã tươi tốt trở lại. Nên duy trì thói quen kiểm tra đất, nếu thấy khô và cây héo thì hãy tưới nước.
- Cây bị sâu bệnh, bị nấm
Hương thảo là cây tinh dầu nên rất ít khi bị sâu bệnh. Nếu thấy có sâu hay nấm trắng, hãy bắt hết sâu, tiêu diệt chúng. Và pha dung dịch tỏi, ớt, rượu để phun cho cây.
- Cây héo chết do nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân trên thì hương thảo có thể bị chết do khi trồng cây bị vỡ bầu, động, đứt rễ. Do thay đổi môi trường sống đột ngột.
Ví dụ cây đang trồng ngoài đồng hứng nắng cả ngày mà lại cho cây ngay vào ban công ít nắng... Hoặc bón phân không đúng cách, bón sát gốc, bón vào lúc nắng, bón quá đậm đặc...