Hoàng đế Càn Long tên thật là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch (1711 - 1799). Ông là vị hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Càn Long lên ngôi hoàng đế vào năm 1736. Sau khi trị vì nhà Thanh trong 60 năm, đến năm 1796, Càn Long nhường ngôi cho con trai thứ 15 là hoàng tử Vĩnh Diễm (hoàng đế Gia Khánh) và lên làm Thái Thượng hoàng.
Trong thời gian trị vì nhà Thanh, hoàng đế Càn Long rất thích vi hành. Ông từng 6 lần tuần du về phía Nam. Trong một lần cải trang thành dân thường đi vi hành, hoàng đế Càn Long đi ngang qua một gian hàng coi bói. Vị hoàng đế này thấy vậy rất thích thú bởi ông muốn trải nghiệm xem coi bói ở dân gian sẽ thế nào.
Càn Long đã có một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với một thầy bói khi đi vi hành, dẫn đến một quyết định xử tử gây tranh cãi. (Ảnh minh họa)
Thời xưa, hoàng đế thường không tự ý tìm đến các thầy bói để dự đoán số mệnh. Dù trong hoàng cung không thiếu các đạo sĩ tài năng, nhưng họ chỉ tham gia vào các nghi lễ lớn hoặc dự đoán vận mệnh quốc gia. Còn số mệnh của hoàng đế là điều cấm kỵ, ít ai dám động đến vì lo sợ những hậu quả nghiêm trọng.
(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, trong chuyến vi hành đến Giang Nam, Càn Long đã phá lệ. Khi dạo bước trên đường phố phồn hoa của Tô Châu, ông vô tình bắt gặp một thầy bói đang ngồi bên lề đường. Tò mò trước khả năng của thầy bói, Càn Long quyết định thử và tìm hiểu về số mệnh của chính mình.
Thầy bói không yêu cầu Càn Long phải cung cấp thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh hay viết chữ như thông lệ. Ông ta chỉ yêu cầu Càn Long ngồi xuống và nói rằng ông đã biết rõ người ngồi trước mặt mình là ai. Điều này đã kích thích sự tò mò của hoàng đế, khiến ông càng quan tâm đến lời tiên đoán.
Khi được hỏi về số mệnh, thầy bói nói rằng: "Cao cao tại thượng, mệnh bất cửu dã, cấp lưu dũng thoái, hoán đắc tam tải". Ý nghĩa của câu này rất rõ ràng: Người có địa vị cao quý nhưng mạng sống không còn dài. Nếu biết rút lui đúng lúc, có thể kéo dài thêm ba năm nữa.
(Ảnh minh họa)
Ban đầu, Càn Long không để tâm nhiều đến lời nói của thầy bói. Nhưng khi thầy bói nhấn mạnh rằng người mà ông ta đang nói đến là "cao cao tại thượng", hoàng đế nhận ra rằng thầy bói đã biết rõ thân phận của mình. Trong toàn bộ triều đình nhà Thanh, ai có thể được miêu tả bằng từ "cao cao tại thượng" ngoài chính hoàng đế? Sự nhạy bén của thầy bói đã khiến Càn Long cảm thấy bất an.
(Ảnh minh họa)
Mặc dù không biểu lộ bất kỳ sự bất mãn nào, Càn Long lặng lẽ rời khỏi chỗ thầy bói mà không nói thêm lời nào. Tuy nhiên, khi vừa đi được khoảng 500 mét, ông ngay lập tức ra lệnh cho thuộc hạ quay lại và giết chết thầy bói. Tuy nhiên, khi đội quân đến nơi, họ không tìm thấy thầy bói đâu cả. Trên bàn chỉ còn một tờ giấy có viết nội dung: "Cả thiên hạ này, lão phu chỉ xem quẻ cho một mình ngài".
(Ảnh minh họa)
Dù sự việc này có thể chỉ là truyền thuyết, nhưng nó vẫn phản ánh một phần nào đó sự thật lịch sử. Sau cuộc gặp gỡ định mệnh này, không lâu sau đó, Càn Long đã chính thức thoái vị, nhường ngôi cho con trai mình.
(Ảnh minh họa)
Khi trở thành Thái Thượng hoàng, Càn Long tận hưởng cuộc sống ung dung, tự tại. Từ đây, một số người cho rằng, ông hoàng này đã tin vào "lời tiên tri" của thầy tướng số đã gặp ở Tô Châu. Vì muốn sống thọ nên Càn Long đã làm theo "lời tiên đoán" của vị cao nhân bí ẩn đó.
Năm 1799, sau khoảng 3 năm ở ngôi vị Thái Thượng hoàng, Càn Long qua đời ở tuổi 88. Điều này quả thực ứng nghiệm với lời tiên đoán của vị thầy tướng số năm xưa. Đó là nếu Càn Long biết "rút lui đúng lúc" thì sẽ đổi thêm 3 năm tuổi thọ.