TIN TỨC » Kiến thức

Cảnh báo chiêu lừa đảo 'mất sạch tiền' khi gửi tiết kiệm online. Hướng dẫn cách xử lý để tránh mất tiền

Thứ năm, 23/11/2023 12:14

Với sự phát triển của công nghệ, giờ đây nhiều người không cần phải qua trực tiếp ngân hàng vẫn có thể gửi tiền tiết kiệm online chỉ với vài thao tác đơn giản. Tuy nhiên đây cũng là 'sơ hở' khiến kẻ xấu nhắm vào lừa đảo.

Lừa đảo giả mạo gửi tiền online đã nhiều lần được cơ quan công an cảnh báo và đặc biệt lưu ý người dân chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của Ngân hàng có uy tín; không cung cấp mã OTP do Ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên Ngân hàng.

Theo thông tin từ ngân hàng Techcombank, nguyên nhân có thể xuất phát từ sơ suất khi sử dụng tài khoản ngân hàng của người dùng:

- Để lộ toàn bộ thông tin đăng nhập: Một số khách hàng có thói quen lưu lại mật khẩu ngân hàng và toàn bộ thông tin cá nhân trong điện thoại hoặc trong đoạn tin nhắn với chính mình hoặc người thân quen. Điều này tạo lỗ hổng cho kẻ gian có thể đánh cắp thông tin của bạn bằng cách hack tài khoản, điện thoại...

- Khai báo OTP với đối tượng giả mạo: Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp OTP thông qua cuộc gọi điện thoại hay thư điện tử. Tuy nhiên, một số người dùng không nắm được thông tin này nên khi nghe cuộc gọi giả mạo đã cung cấp thông tin OTP cho kẻ gian, dẫn đến mất tiền từ tài khoản tiết kiệm trực tuyến.

- Nhấn vào đường dẫn giả mạo có chứa virus: Kẻ gian có thể thông qua các đường dẫn này xâm nhập dữ liệu điện thoại, lấy cắp thông tin để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bạn.

Cách xử lý tình huống gửi tiết kiệm online bị mất tiền

Techcombank hướng dẫn, nếu bị mất tiền khi gửi tiết kiệm online, người dân cần thực hiện khiếu nại với ngân hàng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền dưới đây:

Liên hệ với ngân hàng

Khi xảy ra vụ việc, bạn cần liên hệ nhanh chóng với ngân hàng của bạn để được hỗ trợ nhanh nhất, đồng thời cần thực hiện các hành động sau:

1. Thu thập tất cả các tài liệu liên quan đến lừa đảo: Khách hàng cần cung cấp cho ngân hàng bằng chứng chứng minh bản thân bị lừa đảo bằng cách:

Lưu trữ bản gốc và in ra 1 bản sao các thông tin liên lạc với kẻ lừa đảo như tin nhắn SMS, tin nhắn trên ứng dụng mạng xã hội, email, thư từ, ghi âm cuộc gọi (nếu có). Làm bản kê khai/ tường trình vụ việc, trong đó liệt kê toàn bộ mốc thời gian, nội dung sự việc đã xảy ra và toàn bộ thông tin mà bạn có về kẻ lừa đảo. Nếu có biên lai hoặc chứng từ giao dịch, bạn cũng phải lưu trữ bản gốc và in ra một bản sao để gửi về cho ngân hàng. Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu in sao kê giao dịch để chứng minh bị thất thoát tài sản.

2. Gọi đến số dịch vụ khách hàng của ngân hàng: Khách hàng cần liên hệ với ngân hàng thông qua số hotline, tổng đài chăm sóc khách hàng càng sớm càng tốt tính từ thời điểm phát hiện, tối đa trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ việc.

3. Trả lời các câu hỏi tiếp theo từ ngân hàng: Sau khi nhận được thông tin từ khách hàng, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra và truy xuất thông tin giao dịch lừa đảo. Thời điểm này, khách hàng cần phối hợp với ngân hàng, sẵn sàng trả lời các câu hỏi từ phía ngân hàng, luôn giữ máy điện thoại để nghe gọi kịp thời, cung cấp thêm các bằng chứng, giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu để phục vụ việc điều tra như bản sao báo cáo từ phía công an, bản tường trình vụ việc…

4. Liên hệ lại nếu bạn không nhận được phản hồi trong vòng 30 ngày: Sau thời gian 30 ngày, nếu vẫn chưa có kết quả, khách hàng hãy liên hệ lại hotline hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để hỏi về tiến trình xử lý khiếu nại của bạn. Thông thường, các ngân hàng sẽ cố gắng giải quyết vấn đề trong vòng 60 ngày, tối đa 90 ngày theo quy định tại Điều 512 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Để đảm bảo quá trình xử lý khiếu nại diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, khách hàng có thể mời một luật sư tham vấn để theo sát vụ việc, tư vấn các hướng giải quyết tối ưu, giúp bạn lưu trữ các loại giấy tờ/ hồ sơ cũng như thay bạn trao đổi với phía ngân hàng.

Liên hệ với cơ quan công an

1. Liên hệ với cơ quan công an địa phương: Khách hàng cần đến trực tiếp cơ quan công an tại địa phương hoặc liên hệ theo đường dây khẩn cấp, các đường dây đặc thù dành riêng cho việc báo cáo tội phạm tài chính, lừa đảo như:

Đường dây nóng liên hệ Công an - Cảnh sát 113. Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam: https://canhbao.ncsc.gov.vn.

2. Thu thập tài liệu liên quan đến lừa đảo: Tương tự như phía ngân hàng, bạn cũng cần cung cấp các bản sao in thông tin tương tác, liên lạc, giao dịch với kẻ lừa đảo để cảnh sát địa phương có thể đẩy nhanh tiến độ điều tra. Nếu cảnh sát địa phương có thể truy bắt được kẻ lừa đảo, bạn có thể yêu cầu được bồi thường thông qua tòa án hình sự.

Do đó, khách hàng cần thu thập chứng cứ càng chi tiết càng tốt để giúp các cơ quan chức năng xử lý vụ việc nhanh chóng hơn. Đồng thời, khách hàng cần lưu lại bản gốc để phối hợp điều tra với cảnh sát khi cần.

3. Khai báo cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương: Khi được yêu cầu tường trình lại vụ việc, khách hàng hãy giữ bình tĩnh và khai báo rõ ràng, chi tiết nhất có thể về nội dung vụ lừa đảo và các mốc thời gian tương ứng.

4. Hợp tác với cơ quan chức năng trong suốt quá trình điều tra: Trong suốt quá trình điều tra, cơ quan công an có thể yêu cầu bạn tới đơn vị để cung cấp thêm thông tin, bằng chứng. Khi truy bắt được kẻ lừa đảo, bạn sẽ được yêu cầu trao đổi với các kiểm sát viên hoặc làm chứng tại tòa.

Bunny (TH) (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)