TIN TỨC » Kiến thức

Chỉ cần nhìn vào một điểm này, phân biệt dễ dàng tôm có bị bơm tạp chất hay không

Thứ sáu, 05/07/2024 08:06

Tôm là thực phẩm được rất nhiều người ưa thích vì những lợi ích dinh dưỡng nó mang lại. Tuy nhiên nhằm thu lợi bất chính một số gian thương đã tiêm tạp chất vào tôm, điều này có thể gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tôm bị bơm tạp chất gây hại sức khỏe như thế nào?

Để tăng trọng lượng và có mẫu mã đẹp cho tôm, nhiều gian thương đã dùng dung dịch để bơm chủ yếu là bột agar (bột rong biển làm thạch) a dao, CMC (chất ổn định dùng để kiểm soát độ nhớt của thủy hải sản)… Các chất này thường được nấu chín hoặc hòa với nước thành dung dịch sền sệt. Sau đó dùng ống tiêm chích trực tiếp vào đầu, thân và đuôi tôm.

Tôm bơm hoá chất gây hại cho sức khoẻ

Khi tôm có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển như: Vi khuẩn vibrio cholarae gây bệnh thổ tả, vi khuẩn salmonella gây bệnh thương hàn, ngộ độc, tiêu chảy, nhiễm trùng máu, vi khuẩn shigella gây bệnh kiết lị, vi khuẩn escheria coli gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,… Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mãn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận,…

Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất

Nhận biết tôm bị bơm tạp chất là một bước quan trọng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và chọn lựa các sản phẩm tốt nhất cho bữa ăn của bạn. Sử dụng các phương pháp và dấu hiệu trên để giúp bạn nhận biết tôm bơm tạp chất một cách chính xác và hiệu quả.

Dưới đây là một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết tôm bị bơm tạp chất:

Màu sắc không đồng đều

Tôm bơm tạp chất thường có màu sắc không đồng đều, với các vết màu đặc biệt là màu đỏ, cam hoặc vàng không tự nhiên. Sự không đồng đều trong màu sắc có thể là dấu hiệu của việc sử dụng chất phụ gia.

Kích thước không đều

Tôm tự nhiên thường có kích thước đồng đều trong cùng một loại. Tuy nhiên, tôm bơm tạp chất thường có kích thước không đồng đều, với một số con rất lớn trong khi một số con lại rất nhỏ.

Tôm tự nhiên thường có một mùi hải sản tươi mát. Tuy nhiên, tôm bơm tạp chất có thể có mùi hôi khác thường, có thể là mùi hóa chất hoặc mùi khác không tự nhiên.

Quan sát bên ngoài

Quan sát toàn thân cho đến chi tiết từng bộ phận bên ngoài của tôm theo trình tự từ đầu đến đuôi, chú ý quan sát phần đầu, thân và đuôi tôm để thấy rõ nhất.

Phần đầu tôm: Sau khi bơm tạp chất, phần đầu tôm sẽ bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân, phần mang cứng, thẳng đơ, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng

Phần thân: Khi bị bơm tạp chất thì thân tôm có phần vỏ bụng đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy. Quan sát thêm sẽ thấy đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.

Tôm bơm tạp chất sẽ có phần đuôi xòe ra. Chỉ cần nhìn vào điểm này để phân biệt dễ dàng tôm có bị bơm tạp chất hay không.

Phần đuôi: Khi tôm bị bơm tạp chất thì quan sát phần đuôi dễ nhận biết nhất. Lúc này gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe trong khi đó nếu tôm chưa bơm thì gai đuôi cụp.

Sử dụng đèn YV

Sử dụng đèn UV để kiểm tra tôm. Tôm bơm tạp chất thường phát ra ánh sáng khác thường khi chiếu ánh sáng UV lên.

Sử dụng nước muối

Ngâm tôm trong nước muối. Tôm bơm tạp chất có thể thay đổi màu sắc hoặc phát ra mùi hôi khác thường khi ngâm trong nước muối.

Cách chọn tôm tươi ngon

Dưới đây là những bí quyết chọn tôm tươi ngon, chất lượng, rất hữu ích để người tiêu dùng chọn được loại thực phẩm an toàn, bổ dưỡng cho bữa ăn gia đình.

- Quan sát đuôi tôm: Kiểm tra phần đuôi tôm sẽ giúp xác định được độ tươi sống của chúng. Để kiểm tra độ tươi của tôm, cần đưa tôm ra ánh sáng, kéo dài thân tôm và xem độ rộng giữa các khớp trên lớp vỏ và thịt. Nếu phần khớp rộng chứng tỏ là tôm đã để lâu hoặc để tủ lạnh. Khớp tôm càng hẹp thì tôm càng tươi. Ngoài ra, khi cầm tôm lên nếu thấy có cảm giác sạn dưới ngón tay hoặc tôm bị nhớt, dính vào nhau thì không nên mua.

- Hình dáng con tôm: Khác với những con tôm đông lạnh, bơm hóa chất hoặc bị ươn do để lâu ngày, tôm tươi có phần thân hơi cong, thịt căng chắc. Tuy nhiên, tôm không to và dày thịt khác thường. Ngoài ra, cũng nên lưu ý chọn tôm có phần vỏ linh hoạt, còn nguyên vẹn, đầu phải dính chặt vào thân tôm, đảm bảo tôm sẽ luôn tươi rói.

- Chân tôm: Cần quan sát xem phần chân của tôm còn gắn chặt vào thân hay không, thịt tôm phải săn chắc. Ngoài ra, không nên chọn mua những con tôm có chân đã bị chuyển sang màu đen vì đây chính là dấu hiệu cho thấy chúng không còn tươi.

- Tránh chọn mua những con tôm chảy nhớt: Không nên mua những con tôm đã bị chảy nhớt. Phần lớn những con tôm này thường uốn cong thân thành hình tròn chứ không nằm thẳng như bình thường.

Để kiểm tra vấn đề này, nên dùng ngón tay ấn lên phần vỏ và di chuyển ngón tay vài lần từ trước ra sau, rồi ngược lại, từ sau ra trước. Nếu có cảm giác như có sạn dưới các ngón tay hoặc nhận thấy tôm bị nhớt, dính vào nhau thì không nên mua chúng.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới