TIN TỨC » Kiến thức

Chiêu lừa đảo mới dịp Tết Nguyên Đán từ dịch vụ đổi tiền lẻ, rất nhiều người sập bẫy

Thứ hai, 20/01/2025 12:32

Bên cạnh những chiêu lừa đảo cũ, sát Tết Nguyên Đán cũng nở rộ một thủ đoạn mới. Bạn nên đọc để nâng cao cảnh giác.

Lừa đảo nhắm vào việc đổi tiền lẻ

Nhu cầu đổi tiền lẻ, mua tiền mới để lì xì hoặc chuẩn bị cho các hoạt động tiêu dùng ngày càng tăng khi Tết Nguyên đán sắp đến. Không chỉ có những dịch vụ đổi tiền có uy tín, mà còn có nhiều kẻ xấu lợi dụng tâm lý và nhu cầu của mọi người để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Với sự phát triển mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ đổi tiền lẻ trực tuyến đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng lừa đảo. Nhiều người dễ dàng bị sa bẫy bởi những thủ đoạn tinh vi và kỹ lưỡng, gây ra nhiều thiệt hại.

Cách thức lừa đảo thường diễn ra rất tinh vi, các đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước toàn bộ hoặc một phần tiền kèm phí đổi, hứa sẽ giao tiền tận nơi. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, chúng có thể biến mất, chặn mọi liên lạc. Trong nhiều trường hợp, khách nhận được tiền nhưng đó là tiền cũ, thậm chí tiền giả.

Chị HTTH, sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết chị muốn đổi khoảng 10 triệu đồng tiền lẻ mới để lì xì. Do công việc bận rộn không thể đến ngân hàng nên chị đã tìm một dịch vụ đổi tiền trên mạng xã hội. Người bán quảng cáo đổi tiền mới 100% với phí 10%, giao tận nhà, dưới phần bình luận có rất nhiều lời khen ngợi nên cảm thấy tin tưởng.

“Sau khi nhắn tin, người này yêu cầu tôi chuyển khoản trước toàn bộ số tiền, bao gồm cả phí đổi là 11 triệu đồng, cam kết giao tiền trong ngày. Chưa đầy 3 tiếng sau, tôi nhận được một bọc tiền được bọc kín. Nhưng khi mở bọc tiền ra kiểm tra, tôi sững sờ khi thấy toàn bộ tiền không phải là tiền mới. Một nửa số tiền là các tờ cũ, nhàu nát, thậm chí có vài tờ bị rách góc” - chị H kể.

Ngay lập tức, chị H liên hệ lại với người đổi tiền thì không ai bắt máy. Sau đó, tài khoản mạng xã hội của người này bị xóa, chị không còn cách nào liên lạc.

Cẩn thận với dịch vụ đổi tiền lẻ qua mạng (Ảnh minh họa).

Không được phép đổi tiền mới, tiền lẻ

Luật sư Phùng Thị Huyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo Thông tư số 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông (bị rách nát, hư hỏng), chỉ những tổ chức được Nhà nước cho phép như: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới được phép thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động thu, đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.

"Vì vậy các hành vi thu, đổi tiền lẻ, tiền mới nhằm hưởng chênh lệch đều không được pháp luật cho phép thực hiện" - Luật sư Huyền nói.

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019 quy định phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật”.

Cũng theo luật sư Huyền, dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, việc thu đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn phổ biến mỗi dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến nhiều trường hợp bị lừa đảo, mất tài sản. Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cao nhất là tù chung thân, đồng thời phải hoàn trả số tiền chiếm đoạt cho nạn nhân.

Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản thường phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng, quá trình này thường kéo dài và phức tạp, đặc biệt khi lừa đảo diễn ra trên không gian mạng. Do đó, người dân cần thận trọng khi đổi tiền lẻ, tiền mới.

Việc đổi tiền mới, tiền lẻ không được pháp luật cho phép, do đó không có quy định cụ thể về mức phí. Đối với trường hợp đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nhưng đủ điều kiện đổi, theo quy định tại Thông tư 25/2013/TT-NHNN, người dân sẽ không phải chịu bất kỳ khoản phí nào.

Huy Phát (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới