Từ tháng 9, hàng loạt chính sách mới liên quan đến tăng lương, đăng ký doanh nghiệp, quản lý tài sản công và hoạt động giám sát của các quán karaoke, vũ trường... chính thức có hiệu lực.
Dùng xe công vào việc riêng bị phạt nặng
Nghị định 63/2019 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; chống lãng phí... có hiệu lực từ 1/9.
Theo quy định trong văn bản pháp lý này, hành vi mua sắm tài sản công khi không được phép sẽ bị phạt 1-50 triệu đồng; đầu tư, mua sắm vượt định mức, tiêu chuẩn bị phạt 1-100 triệu đồng; đi thuê tài sản sai quy định bị phạt từ 1 đến 10 triệu đồng…
Đáng chú ý, việc dùng ôtô phục vụ các chức danh không có tiêu chuẩn sử dụng xe; dùng xe hoặc máy móc, tài sản công cho mục đích cá nhân sẽ bị phạt tiền 1-20 triệu đồng. Tương tự, hành vi cho mượn tài sản công sai quy định sẽ bị phạt từ 1 đến 60 triệu đồng…
Trong việc chống lãng phí, hành vi chi tiếp khách, xăng dầu, sách báo… vượt định mức sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng; mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh không đúng danh mục bị phạt từ 1 đến 100 triệu đồng.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng được miễn lệ phí
Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 47 do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, trường hợp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Với những trường hợp khác, lệ phí đăng ký doanh nghiệp là 50.000 đồng/lần; Lệ phí cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh 20.000 đồng/bản…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9.
Mức trợ cấp cao nhất cho quân nhân xuất ngũ là 2,235 đồng/tháng
Thông tư 106 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc sẽ có hiệu lực từ 8/9.
Theo đó, cùng với việc tăng mức lương cơ sở thì mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 1/7 cũng được điều chỉnh.
Cụ thể, từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm là 1,891 triệu đồng/tháng; Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm là 1,97 triệu đồng/tháng; Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm là 2,06 triệu đồng/tháng; Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm là 2,15 triệu đồng/tháng; Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm là 2,23 triệu đồng/tháng.
Quán karaoke không được hoạt động sau 0h
Đây là điểm mới quy định tại Nghị định 54 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Các quy định trong văn bản pháp lý này có hiệu lực từ ngày 1/9.
Từ tháng 9, quán karaoke không được hoạt động sau 12h đêm. Vũ trường không hoạt động từ 2h-8h và không được phục vụ người dưới 18 tuổi. Ảnh minh họa
Theo đó, doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0h đến 8h sáng. Các cơ sở này không được đặt chốt cửa bên trong phòng hoặc thiết bị báo động (trừ thiết bị báo cháy nổ).
Như vậy, so với hiện hành thì quy định mới đã bỏ luôn trường hợp cho phép phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12h đêm nhưng không quá 2h sáng.
Nhân viên quán hát phải đeo biển tên
Nghị định 59/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường sẽ có hiệu lực từ 1/9 với cả người Việt Nam, nước ngoài.
Theo Nghị định, việc kinh doanh 2 loại hình trên không được làm phát sinh tệ nạn xã hội, tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác.
Về diện tích, phòng hát phải đạt từ 20m2 trở lên, phòng vũ trường phải rộng trên 80m2, không tính công trình phụ. Riêng vũ trường phải cách xa trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử trên 200m.
Cũng theo quy định tại nghị định này, vũ trường không hoạt động từ 2h đến 8h và không được phục vụ người dưới 18 tuổi. Với các nhân viên phục vụ tại quán hát, chủ cơ sở phải cung cấp trang phục, biển tên cho họ.
Không xử lý hình sự việc gian lận bảo hiểm trước năm 2018
Từ 1/9, Nghị quyết số 5/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chính thức có hiệu lực. Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 214 “Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”; Điều 215 “Tội gian lận bảo hiểm y tế” và Điều 216 “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động”.
Theo Nghị quyết, hành vi trốn đóng bảo hiểm trước ngày 1/1/2018 không bị xử lý theo Điều 216 Bộ luật Hình sự nhưng phải bị xử phạt hành chính nếu chưa hết thời hiệu. Trường hợp đã xử phạt nhưng tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình trốn tránh, phải giải quyết theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân, người lao động bị thiệt hại do hành vi trốn đóng bảo hiểm trước năm 2018 có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với đối tượng vi phạm.
Lương giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao nhất 11,92 triệu
Đây là điểm nổi bật nêu tại Thông tư 12 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hướng dẫn chuyển xếp lương viên chức ngành giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, sẽ căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận để bổ nhiệm và xếp lương cho đối tượng viên chức giáo dục nghề nghiệp.
Một số mức lương cụ thể của đối tượng này được quy định cụ thể.Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp có mức lương cao nhất là 11,92 triệu đồng/tháng; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính có mức lương cao nhất là 10,10 triệu đồng/tháng; Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết có mức lương cao nhất là 7,42 triệu đồng/tháng…
Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 26/9.