Tình trạng vi phạm giao thông đã giảm nhưng vẫn còn tồn tại
Từ 1/1/2025, Nghị định 168 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có hiệu lực. Nghị định lần này tăng nặng mức xử phạt, với một số hành vi vi phạm bị phạt cao gấp 5 – 6 lần so với trước. Tuy nhiên, sau một tuần triển khai, vẫn có đến hơn 92.000 trường hợp vi phạm, trong đó vi phạm nồng độ cồn chiếm hơn 20%. Riêng các trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, trung bình mỗi ngày có khoảng 380 trường hợp vi phạm.
"Từ ngày 1 đến ngày 7/1/2025, lực lượng Công an thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 5.654 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó, 1.670 phương tiện bị tạm giữ, 190 giấy phép lái xe bị thu giữ hoặc tước quyền sử dụng, và hơn 600 trường hợp bị trừ điểm trên giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt thu được từ các vi phạm ước tính trên 14 tỷ đồng", Thượng tá Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết.
Theo Nghị định 176, quy định các cá nhân hoặc tổ chức có thể được thưởng tiền khi tố giác người vi phạm giao thông. Cụ thể, Bộ Công an sẽ hỗ trợ mức chi thưởng là 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa là 5 triệu đồng cho mỗi vụ việc.
Chưa có ai nhận được tiền thưởng từ việc tố giác vi phạm giao thông
"Đến thời điểm hiện tại, chưa có ai nhận được tiền thưởng từ việc tố giác vi phạm giao thông", ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn cho biết, khi người dân tố giác vi phạm giao thông, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng các biện pháp để kiểm tra và xác minh tính chính xác của thông tin, nhằm tránh tình trạng hình ảnh bị photoshop hay chỉnh sửa. Quá trình này sẽ bao gồm việc lập biên bản vi phạm đối với người vi phạm, từ đó xác định rõ ràng hành vi vi phạm và tiến hành xử phạt. Hiện tại, cũng chưa có hướng dẫn hoặc quy định chính thức về việc trả thưởng cho người cung cấp thông tin tố giác vi phạm giao thông.
"Việc cung cấp thông tin tố giác có thể sẽ tạo ra những động cơ không chính đáng, và có thể xảy ra tình trạng dàn dựng hoặc cắt ghép ảnh để kiếm tiền. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, trong quá trình xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành xác minh rất kỹ lưỡng để đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng vi phạm. Mỗi trường hợp đều phải được kiểm tra cẩn thận, không chỉ dựa vào hình ảnh hay thông tin cung cấp từ người dân. Ngoài ra, người dân có quyền khiếu nại nếu cảm thấy quyết định xử phạt không chính xác hoặc mức phạt không hợp lý", ông Tuấn cho hay.
Phía CSGT Hà Nội khẳng định: "Đến thời điểm hiện tại, chưa có ai nhận được tiền thưởng từ việc tố giác vi phạm giao thông".
Ông Tuấn đánh giá, việc kết nối và tích hợp dữ liệu từ các hệ thống giám sát hành trình ô tô, cùng với dữ liệu ghi nhận hình ảnh từ các cơ quan giao thông, là một bước tiến lớn trong việc nâng cao hiệu quả giám sát và phạt nguội. Khi các cơ quan chức năng có được dữ liệu này, không cần dựa vào sức người để phát hiện và xử lý vi phạm, mà có thể sử dụng công nghệ để tự động xử lý các trường hợp vi phạm. Cách làm này giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong việc giám sát hành vi vi phạm giao thông, đồng thời khiến người tham gia giao thông cảm thấy bị giám sát mọi lúc, từ đó tạo ra tâm lý tuân thủ pháp luật và tôn trọng các quy định giao thông hơn.
Rõ ràng trong những ngày qua, sau khi chế tài xử phạt mới được ban hành, văn hóa giao thông đã được nâng cao một cách rõ rệt. Việc tăng mức xử phạt nặng nhằm mục đích răn đe, cảnh cáo, để người dân nâng cao ý thức tham gia giao thông, từ đó đảm bảo an toàn và giảm thiểu tai nạn giao thông không đáng có. Việc thưởng cho những người tố giác vi phạm giao thông cũng nhằm mục đích khuyến khích người dân giám sát lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là con dao hai lưỡi, nếu không sử dụng khéo léo thì có thể gây ra hậu quả không mong muốn. Cùng với đó, để chế độ thưởng phạt này thực sự công bằng và minh bạch, các cơ sở vật chất phục vụ giao thông như đèn tín hiệu, vạch chia làn, vạch kẻ đường và hệ thống camera giám sát cần được đảm bảo chất lượng. Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp này là đảm bảo sự an toàn, thuận tiện và bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao thông.