TIN TỨC » Kiến thức

Có 6 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế, không biết rất thiệt thòi

Thứ ba, 26/12/2023 10:10

Dù không được người lập di chúc cho hưởng di sản thì những trường hợp sau vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

Theo pháp luật, thừa kế được chia thành 02 hình thức:

- Thừa kế theo di chúc: là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015).

- Thừa kế theo pháp luật: là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định (Điều 649 Bộ luật Dân sự 2015). Tức là thừa kế ngoài di chúc.

Không có tên trong di chúc vẫn được hưởng thừa kế.

Những trường hợp nào được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.

Như vậy, dù không được người lập di chúc cho hưởng di sản thì 02 trường hợp sau vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật:

Trường hợp 1: Cha, mẹ, vợ, chồng của người lập di chúc.

Trường hợp 2: Con chưa thành niên, con thành niên mà không có khả năng lao động.

Ví dụ: Vợ chồng ông A, bà B có tài sản chung là nhà đất trị giá 04 tỷ đồng, vì mâu thuẫn với vợ nên ông A trước khi chết đã lập di chúc với nội dung là để toàn bộ di sản cho 01 người con trai (cha, mẹ ông A đã chết).

Mặc dù không được ông A cho hưởng di sản theo di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng vì là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. Phần di sản bà B được hưởng như sau:

- Di sản thừa kế của ông A là 02 tỷ (vì nhà đất là tài sản chung nên chia đôi).

- Nếu chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế của ông A là bà B và con trai, mỗi suất thừa kế là 1 tỷ đồng. Căn cứ theo pháp luật thì bà B được hưởng di sản bằng 2/3 suất thừa kế.

Do vậy, dù ông A không cho bà B hưởng di sản theo di chúc nhưng bà B vẫn được hưởng phần di sản thừa kế nhà đất với trị giá là 666.666 triệu đồng.

Lưu ý: Quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định.

Di chúc được xem là hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 khi thoả mãn các điều kiện sau đây:

- Người lập di chúc phải có sự minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ hoặc ép buộc. Điều này đảm bảo rằng người lập di chúc có ý chí độc lập và tự nguyện trong quá trình lập di chúc.

- Nội dung của di chúc không được vi phạm các quy định của pháp luật và không vi phạm đạo đức xã hội. Điều này có nghĩa là di chúc không được chứa những điều cấm trong pháp luật và không có những yếu tố gây hại đến xã hội.

- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Điều này áp dụng cho những người trẻ chưa đủ tuổi để tự mình lập di chúc và cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ để đảm bảo tính hợp pháp và an toàn của di chúc.

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Điều này đảm bảo rằng người lập di chúc không có khả năng vì lý do sức khỏe hoặc hạn chế cá nhân không thể tự lập di chúc mà cần sự giúp đỡ và xác nhận của người làm chứng và cơ quan có thẩm quyền.

- Di chúc bằng văn bản không có công chứng hoặc chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 của Điều này. Điều này cho phép di chúc không cần công chứng hoặc chứng thực nhưng vẫn được coi là hợp pháp nếu thoả mãn các điều kiện cần thiết.

- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Ngay sau khi người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng phải ghi chép lại và ký tên hoặc đóng dấu. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc đóng dấu của người làm chứng.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới