Đó là cây vối (tên khoa học là Cleistocalyx Operculatus) là loài thân gỗ. Với chiều cao trung bình khoảng 5-6m, cây vối có đường kính lên đến 50cm. Cuống lá vối dài từ 1-1,5cm, phiến lá vối dai và cứng. Hoa vối có màu lục nhạt, trắng gần như không cuống. Quả vối hình cầu hoặc hình trứng, đường kính từ 7-12mm khi chín có màu tím sẫm, có dịch.
Lá, cành non và nụ vối thường có mùi thơm dễ chịu đặc trưng. Do vậy, người dân thường đun nước vối hay trà vối để uống giải khát hàng ngày, tương tự như nước chè xanh.
Trồng cây vối vừa cho bóng mát, vừa tạo cảnh đẹp cho khu vườn của gia đình, đồng thời giúp thanh lọc không khí vì cây mang mùi hương nhẹ nhàng dễ chịu. Mùi hương này thậm chí còn được ví như chất kháng sinh vì có tác dụng tiêu diệt nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Không những vậy, lá vối, nụ vối và quả vối có thể được thu hái để nấu nước uống, làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, chất đắng trong nước lá vối sẽ giúp kích thích tiết nhiều dịch tiêu hoá, bảo vệ niêm mạc ruột, từ đó có thể được dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy, viêm đại tràng mãn tính, đầy bụng, ăn không tiêu, đi ngoài sống phân,...
Nên trồng cây vối trước nhà vừa cho bóng mát lại có thể hái lá làm đồ uống.
Trong khi đó, hoạt chất polyphenol trong nước nụ vối làm chậm quá trình phân giải đường, làm chậm quá trình hấp thụ đường từ thức ăn vào máu, nhờ đó có tác dụng kiểm soát đường huyết lâu dài, hạn chế tăng đường huyết sau ăn. Không những vậy, uống nước nụ vối còn giúp điều hòa chuyển hóa cholesterol trong máu, phòng ngừa biến chứng cho những bệnh nhân đái tháo đường. Trên thị trường, nụ vối phơi khô được bán với giá khoảng 140.000 đồng/kg.
Trong phong thủy, trồng cây vối trước cửa nhà sẽ giúp gia đình gặp nhiều may mắn, luôn bình an và có cuộc sống thịnh vượng, sung túc. Tuy nhiên vì cây vối có tán lá rộng, thân cao nên khi trồng trước nhà bạn không nên trồng ở ngay lối đi để tránh gây cản trở, bất tiện cho việc đi lại và ngăn cản các luồng khí, ảnh hưởng không tốt tới phong thủy nhà ở. Ngoài ra, cây vối khi trồng trước nhà cũng cần được cắt tỉa thường xuyên, tránh để tán lá sum suê làm che khuất tầm nhìn, tích tụ nguồn âm khí trong nhà.
Cách trồng:
Có thể trồng cây vối bằng phương pháp giâm cành, chiết cành hoặc trồng bằng hạt. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể trực tiếp mua cây giống về trồng.
Thời điểm trồng cây vối thích hợp nhất là mùa xuân (đối với khu vực miền bắc) và đầu mùa mưa (đối với khu vực miền Nam). Cây vối có khả năng sinh tồn khá cao, thích nghi tốt với môi trường sống, tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh. Tuy nhiên, muốn cây vối phát triển tốt thì bạn cần chú ý tới những điểm sau:
- Đất trồng: Cây vối không có yêu cầu cao về đất trồng, nhưng tốt hơn hết nên trồng trong đất có khả năng thoát nước tốt, giàu chất dinh dưỡng.
- Ánh sáng: Cây ưa sáng, vì thế nên trồng ở nơi có ánh sáng tốt, môi trường thông thoáng.
- Tưới nước: Thời gian đầu, yêu cầu về nước cho cây vối là khá quan trọng. Nên tưới 2 ngày một lần vào buổi sáng hoặc chiều tối. Sau 3 tháng trồng, khi cây đã cứng cáp thì có thể giảm lượng nước tưới xuống.
- Phân bón: Nên bón phân hữu cơ hoai mục 3 tháng 1 lần cho cây, mỗi lần chỉ cần khoảng 100g là đủ. Hoặc bón định kỳ phân NPK 6 tháng – 1 năm/lần với liều lượng (15-15-15) 50-100g/1 gốc/1 lần.
- Cắt tỉa: Nên cắt tỉa các cành lá vàng úa, già để tránh làm môi trường gây bệnh cho cây vối.
- Tag
- cây vối
- nụ hoa vối