Đường Thanh Niên được biết đến là "con đường tình yêu" lãng mạn bậc nhất Hà Nội. Nằm giữa hồ Tây và Trúc Bạch, đường Thanh Niên lâu nay trở thành điểm hẹn của những đôi nam nữ thích ngồi tâm sự, ngắm hoàng hôn bên bờ hồ lộng gió.
Đường Thanh Niên Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch sau hơn 20 năm.
Đường Thanh Niên vốn là con đập đắp vào đầu thế kỷ thứ 17 để giữ cá nuôi trong Hồ Trúc Bạch. Lúc đầu mang tên "Cố Ngự" (giữ vững), sau được đọc chệch thành "Cổ Ngư". Đường dài gần 1 km, bắt đầu từ dốc Yên Phụ tới ngã ba Quán Thánh - Thụy Khuê.
Nhìn từ trên cao, đường Thanh Niên giống như một cây cầu phủ đầy cây xanh. Những năm 1957 - 1959, sau khi thanh niên Thủ Đô góp sức làm đường Cổ Ngư và một số công trình khác to đẹp hơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi tên thành đường Thanh Niên để ghi nhận và cổ vũ sự đóng góp công sức của thế hệ trẻ.
Đường Thanh Niên trở thành một trong những con đường đẹp nhất Hà Nội với lòng đường đẹp, vỉa hè thoáng rộng và những hàng cây xanh mát quanh năm.
Vào những tối mùa hè oi bức, dưới lòng đường và hai bên vỉa hè đều đông đúc người tới hóng mát. Những ngày đông giá rét, vẫn có nhiều người ngồi uống trà nóng bên quán cóc. Và đây cũng chính là điểm hẹn của những đôi lứa yêu nhau ngồi tình tự bên hồ.
Đường Thanh Niên vào độ tháng 3 hàng năm sẽ được bao phủ bởi sắc tím rợp trời của hoa ban Tây Bắc. Những bông hoa mỏng manh với sắc tím pha trắng dịu nhẹ bung nở khắp các tán cây, khiến cho cảnh quan của con đường càng thêm phần lãng mạn, dịu dàng, thơ mộng, đẹp đến nao lòng. Nếu bạn đang tự hỏi Hà Nội tháng 3 có gì đẹp, vậy chắc chắn phải đến ngắm nhìn, check-in hoa ban trên đường Thanh Niên.
Bên cạnh đó, nơi đây còn được biết đến là tọa độ ngắm hoàng hôn ấn tượng nhất trong nội thành Hà Nội. Vào buổi chiều tà, khung cảnh mặt trời dần lặn xuống trong ráng chiều rực rỡ vừa hùng vĩ vừa lãng mạn, đẹp như một bức tranh. Chắc chắn nếu được một lần chiêm ngưỡng bạn sẽ không thể nào quên khung cảnh mỹ lệ ấy.
Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên là ngôi chùa cổ nhất tại Hà Nội với niên đại hơn 1500 năm. Chùa được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đế trên một bán đảo nhỏ ở phía Đông Hồ Tây. Khi đập Cổ Ngư được xây dựng vào thế kỷ XVII cũng đồng thời đắp nên con đường dẫn vào chùa.
Chùa Trấn Quốc là chốn cửa Phật linh thiêng, đồng thời là di tích lịch sử văn hóa lâu đời ở Thủ Đô thu hút đông đảo du khách cũng như Phật tử ghé thăm mỗi năm để chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính tuyệt đẹp, tìm hiểu lịch sử, cảm nhận không khí thanh tịnh và dâng hương cúng bái.
Đền Quán Thánh
Đền Thánh hay còn gọi là Trấn Vũ Quán - một trong Thăng Long Tứ Trấn, trấn giữ phía Bắc của Kinh thành Thăng Long xưa. Ngôi đền cổ kính, uy nghiêm này được xem như một biểu tượng văn hóa tâm linh nổi bật của Hà Nội suốt hơn nghìn năm qua.
Đền Quán Thánh là nơi thờ tự vị thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Trong đền có đặt pho tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ đúc bằng đồng đen cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, tọa trên tảng đá cẩm thạch 1,2m, được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là pho tượng độc đáo, thể hiện tài nghệ và kỹ thuật đúc đồng tinh xảo của các nghệ nhân nước ta từ cách đây hơn 300 năm.
Địa điểm ăn uống đường Thanh Niên
Đường Thanh Niên không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc lãng mạn, không khí mát mẻ, mà còn bởi những món ăn ngon xuất sắc, tiêu biểu cho văn hóa ẩm thực Hà Nội. Trong đó, không thể không nhắc tới món bánh tôm Hồ Tây số 1 đường Thanh Niên - địa chỉ luôn góp mặt trong list quán bánh tôm Hồ Tây ngon nức tiếng.
Ngoài ra bạn cũng nên dành thời gian thưởng thức một số món ăn vặt đường phố trứ danh dọc đường Thanh Niên quận Tây Hồ như kem ốc quế vani, bò bía, kem dừa, kem chanh...