Lo ngại tăng mức xử phạt vi phạm lên quá cao "có thể xảy ra tiêu cực"
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” đã bắt đầu có hiệu lực thi hành hơn 1 tuần nay (từ 1/1/2025). Theo đó, nghị định mới có quy định điều chỉnh tăng rất cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ và trừ điểm GPLX.
Thống kê của Phòng CSGT Công an Hà Nội, trong gần một tuần áp dụng mức phạt mới, lực lượng chức năng toàn thành phố đã xử lý 3.329 trường hợp vi phạm, phạt tiền khoảng 8,5 tỷ đồng, tạm giữ là 983 phương tiện, tước 102 bằng lái xe, trừ điểm giấy phép lái xe đối với 350 trường hợp...
Còn ở TP HCM, Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết, chỉ trong 4 ngày đầu, toàn thành phố đã xử lý hơn 6.000 vụ vi phạm, tổng số tiền phạt hơn 10 tỷ đồng.
Theo đánh giá chung từ cán bộ phòng CSGT, đối với những lỗi bị tăng mức phạt theo quy định tại Nghị định 168/2024, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm gần như giảm hẳn.
Tuy nhiên thời gian gần đây, có một số ý kiến cho rằng mức phạt tăng cao có thể xảy ra tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
CSGT xử phạt phương tiện vi phạm (Ảnh minh họa).
Trả lời độc giả, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng đây cũng là một ý kiến phản ánh chính đáng của người dân.
Đại diện Cục CSGT cũng cho biết, để phòng ngừa vấn đề này, ngay từ đầu khi triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168, Bộ Công an đã tập trung thực hiện các giải pháp để số hóa, chuyển đổi số hoạt động của lực lượng CSGT.
Trong đó ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, camera gắn trên người của CSGT, camera hành trình trên phương tiện, camera flycam. Đồng thời, trong quy trình công tác của CSGT cũng có những quy định chặt chẽ như khi dừng lại một điểm phải chọn vị trí rộng, dễ quan sát…
Về quyền giám sát hoạt động của CSGT
Liên quan đến vấn đề giám sát hoạt động của CSGT, Thông tư 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/11/2024. Trong đó, có nội dung sửa đổi đáng chú ý mà người dân đặc biệt quan tâm là người dân bị nghiêm cấm thực hiện việc ghi âm, ghi hình trong quá trình làm việc của lực lượng CSGT. Đối với quy định về quy chế hoạt động dân chủ của CSGT, theo Đại tá Nhật, hiện nay người dân hiểu chưa đúng.
Cụ thể, đại diện Cục CSGT cho hay, người dân vẫn được quyền giám sát hoạt động của CSGT... Tuy nhiên, với các thông tin đăng trên mạng xã hội cần đảm bảo quy định không bôi nhọ danh dự, uy tín, không làm lộ/lọt tài liệu…
"Chúng tôi cũng đã quán triệt lực lượng trong xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ không có vùng cấm, không có ngoại lệ", Đại tá Nhật chia sẻ tại buổi giao lưu.
(Ảnh minh họa).
Cùng với đó, người dân cũng có quyền khiếu nại, khiếu kiện, phản ánh hành vi không đúng quy trình công tác để các bộ phận chức năng tiếp nhận và giải quyết theo quy định. Với các công tác mà Cục CSGT đã và đang thực hiện kết hợp với việc giáo dục chính trị tư tưởng với cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Nhật khẳng định "sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch".
Phân tích kỹ hơn về vấn đề quyền được ghi âm, ghi hình CSGT, Luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh chia sẻ trên Báo Tin tức hồi tháng 11/2024. Theo ông Hải, nếu người dân có quyền lợi trực tiếp liên quan đến việc bị lực lượng CSGT chặn xe và chuẩn bị lập biên bản xử phạt, mà người dân cho rằng không có lỗi, họ có quyền ghi âm, ghi hình để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng biết. Đối với những người không liên quan như xe ôm, YouTuber tự ý chạy tới ghi hình, bình luận lên mạng xã hội là hành vi không được phép vì luật mới đã cấm.
Lực lượng chức năng có quyền ngăn chặn nếu hành vi ghi âm, ghi hình này có dấu hiệu gây mất trật tự công cộng hoặc chống người thi hành công vụ.