TIN TỨC » Kiến thức

Cúng Tết Thanh minh 2024 cần đặc biệt lưu ý điều gì? Cúng giờ nào đẹp?

Thứ tư, 03/04/2024 20:33

Tết Thanh minh là một ngày có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay.

Tết Thanh minh không chỉ là dịp con cháu sửa sang lại phần mộ ông bà tổ tiên trong gia đình để tỏ lòng hiếu kính, mà còn là dịp mọi người dọn dẹp, sắm sửa đồ mới trong nhà như lời cảm ơn ông bà tổ tiên đã phù hộ cho gia đình có cuộc sống ấm no, đủ đầy, cầu mong những điều tốt đẹp cho gia đình trong tương lai.

Tết Thanh minh là một ngày có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt từ bao đời nay.

Giờ tốt cúng Tết Thanh minh 2024

Thanh minh là một trong 24 tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Tính từ đầu năm trở đi, tiết Thanh minh đứng thứ 5, sau các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân.

Năm nay, Tết Thanh minh 2024 rơi vào 4/4 (tức 26/2 âm lịch) là ngày đầu tiên của Tiết Thanh minh. Tiết Thanh minh 2024 kết thúc vào ngày 19/4 dương lịch.

Theo lịch vạn niên năm 2024, ngày hôm đó có các khung giờ tốt như: Giờ Dần(3h-5h), Giờ Thìn (7h-9h), giờ Tỵ (9h-11h), giờ Thân (15h-17h), giờ Dậu (17h-19h), giờ Hợi (21h-23h).

Cúng Tết Thanh minh 2024 cần đặc biệt lưu ý điều gì?

Một mâm cúng Thanh minh chỉn chu là điều cần thiết, không cần quá xa hoa chỉ cần đủ để bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất.

Các lễ vật thường xuất hiện khi cúng Thanh minh thường sẽ có: Đèn (nến), chè, hoa, quả, hương, rượu, nước sạch, trầu cau, mâm cỗ chay,… tùy theo chuẩn bị của gia đình.

Điều cần chú ý khi cúng ở mộ phần tổ tiên

Gia đình cần sắp xếp lễ vật ngay ngắn, cẩn thận, hoa quả. Khi hành lễ cần thắp đầy đủ nhang, đèn ở tất cả các bát hương (chỉ nên cắm 1 hoặc 3 nén hương), vái 3 lần với quan thổ công, thổ địa, mới tiến hành mời gia tiên về nhà, rồi bắt đầu đọc văn khấn. Sau đó, tiến hành dọn dẹp mộ phần và khoản tuần hương cháy được 2/3, gia đình tạ lễ, dọn đồ cúng, xin lộc, ra về.

Điều cần chú ý khi cúng tại nhà

Gia đình cần dọn dẹp nơi thờ cúng sạch sẽ và nhà cửa ngăn nắp, sạch đẹp trước khi làm lễ. Mâm lễ cúng chuẩn bị đầy đủ, theo nhu cầu của gia đình, cũng có thể chỉ thắp hương và chuẩn bị các đồ cúng đơn giản. Người làm lễ cần ăn mặc gọn gàng, lịch sự, thành kính thắp hương, vái lạy và đọc to rõ văn khấn, Sau khi cháy hết 1 tuần hương, gia đình hóa vàng và xin lộc.

Điều cần tránh khi cúng Thanh minh

Khi đi làm lễ vào ngày tết Thanh minh, các gia đình cần tránh phạm phải các vấn đề sau để không gặp vận xui, ảnh hưởng đến phúc khí.

Khi đi tảo mộ, mọi người nên giữ thái độ trang nghiêm, lịch sự không đùa giỡn, giẫm đạp, hay đá đồ cúng của người khác, và không được chỉ trỏ vào mộ phần của người khác, vì sẽ bị vận xui đeo bám và là hành vi không tôn trọng người đã khuất.

Nếu phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt, hay bị bệnh phong hàn thấp khớp, và đặc biệt là phụ nữ mang thai, thì không nên đi tảo mộ. Vì cơ thể họ yếu dễ bị nhiễm khí lạnh, độc hại và năng lượng xấu ở khu vực nghĩa trang.

Hạn chế chụp ảnh kỷ niệm khi đi tảo mộ để thể hiện sự tôn trọng với không gian thiêng liêng.

Trước khi tiến hành dọn dẹp hay sửa sang phần mộ của tổ tiên, cần phải thắp nhang xin phép. Sau đó, cần dọn dẹp cỏ dại, quét bụi bẩn, sửa sang cẩn thận tránh côn trùng, động vật nhỏ bò vào. Bên cạnh đó, bạn có thể trồng thêm cây và hoa mới, đắp thêm đất cho mộ tổ tiên.

Khi dâng cúng trái cây và hoa, bạn cần chọn loại tươi và số lượng vật phẩm phải là số lẻ.

Văn khấn Tết Thanh minh 2024

Trong lúc dâng lễ vật lên tổ tiên, người Việt thường đọc văn khấn Tết Thanh minh trong nhà và ngoài mộ.

Văn khấn Tết ngoài mộ

Dưới đây là bài văn khấn Âm phần long mạch theo sách Văn khấn cổ truyền của Đại đức Thích Thanh Tâm, NXB Thời đại:

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần.

Con kính lạy các ngài thần linh bản xứ cai quản trong khu vực này.

Hôm nay là ngày: ...

Tín chủ chúng con là: (tên người khấn).

Ngụ tại: (địa chỉ của nhà tín chủ).

Nhân tết Thanh minh, tín chủ con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương kính dâng trước án, kính mời chư vị tôn thần lai lâm chiếu giám.

Gia đình chúng con có ngôi mộ của: (cha, ông hay cụ tam đại, tứ đại theo vai của người dưới mộ so với tín chủ), táng tại xứ này, nay muốn sửa sang xây đắp.

Vì vậy chúng con xin kính cáo các đấng thần linh, thổ công, thổ phủ, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản trong khu vực này.

Chúng con kính mời các vị chư thần về đây chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, độ cho vong linh được an nhàn yên ổn, siêu thoát.

Cúi xin các vị phù hộ độ trì cho tín chủ chúng con toàn gia mạnh khỏe an bình, bốn mùa không tật ách, tám tiết hưởng thái bình.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

Văn khấn Thanh minh trong nhà

Độc giả có thể tham khảo bài cúng gia tiên ngày Thanh minh theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam (NXB Văn hóa Thông tin) như sau:

Hôm nay là ngày... tháng... năm...

Nay con giữ việc phụng thờ tên là... ,… tuổi, sinh tại xã..., huyện...., tỉnh... cùng toàn gia, trước bàn thờ gia tiên cúi đầu bái lễ.

Kính mời thổ công Táo quân đồng lai cách cảm.

Kính dâng lễ bạc: Trầu rượu, trà nước, vàng hương, hoa quả cùng phẩm vật lòng thành nhân dịp...

Kính mời hương hồn nội ngoại tổ tiên, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác, anh chị em chứng giám và hưởng lễ.

(*) Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới