TIN TỨC » Kiến thức

Đại dương đáng sợ đến mức nào? Những hiện tượng kỳ lạ xảy ra ở đại dương đủ khiến người ta phải kinh hãi

Thứ ba, 18/01/2022 06:38

Đại dương đúng là rất đẹp nhưng sự huyền bí của nó đến nay vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm được câu trả lời. Đặc biệt là dù nhìn rất yên bình nhưng khi giận dữ thì đại dương cũng là một sát thủ vô hình.

Tổng diện tích đại dương chiếm khoảng 361 triệu km², chiếm 71% tổng diện tích Trái đất. Lượng nước biển chiếm khoảng 96,53% tổng lượng nước của cả Trái đất. Đại dương chính là một kho chứa nước khổng lồ của Trái đất. Có người khi nhìn thấy vùng biển bao la sẽ cảm thán rằng đại dương đẹp đẽ biết chừng nào, trong lòng dấy lên một cảm giác hùng vĩ, như thể được đại dương ôm trọn lấy.

Đại dương đáng sợ đến mức nào? (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, lại có một số người khi đối diện với đại dương rộng lớn, từ sâu trong lòng họ lại tràn ngập cảm giác sợ hãi. Đại dương bao la rộng lớn vô tận, thần bí, sâu không thể lường kia đôi lúc lại mang một cảm giác chết chóc nặng nề, ẩn giấu những bí ẩn mà con người không thể dự đoán được. Các nhà khoa học cho chúng ta biết, đại dương là cái nôi của sự sống, chính vì đại dương là khởi nguồn của sự sống, nhân loại chúng ta mới có thể được sinh ra. Trên thực tế, đại dương là một thế giới nguy hiểm và thần bí vô cùng, là thứ vừa đẹp đẽ lại vừa đáng sợ.

Chúng ta đều biết, thế giới phía dưới đại dương là thế giới mà chúng ta không thể dùng mắt thường để quan sát được, chỉ có thể lặn dưới nước mới có thể tìm hiểu sâu hơn về những bí mật phía dưới đó. Nhưng khả năng cơ thể của con người lại có hạn, chỉ có thể lặn dưới độ sâu và thời gian nhất định. Trước thế kỷ 16, con người không hề biết đại dương rộng lớn đến mức nào. Trước thế kỷ 20, con người không hề biết đại dương sâu đến mức nào. Cho dù là đến ngày nay, sự hiểu biết về đại dương của con người cũng cực kỳ hạn hẹp, mới chỉ thám hiểm, thăm dò được khoảng 5% bí ẩn dưới đáy đại dương.

Về “khối thể tích khổng lồ” chiếm 71% diện tích bề mặt Trái đất, độ sâu trung bình khoảng 3729 mét ấy, có thể nói là con người chỉ có thể chạm vào một góc rất nhỏ của đại dương, thậm chí là còn nhỏ hơn so với sự hiểu biết về vũ trụ ngoài kia. Nơi sâu nhất của đại dương là ở rãnh đại dương Mariana ở Tây Thái Bình Dương, nơi sâu nhất lên đến 11034 mét và cũng mới chỉ có vài người đã từng tới nơi sâu nhất ấy. Từ nỗi sợ hãi đối với những thứ bí ẩn chưa được giải đáp ấy, đại dương dường như được che bởi một lớp mặt nạ thần bí, mang nỗi sợ hãi đến cho con người.

Trên thực tế, đại dương quả thực là vui buồn thất thường, bề ngoài nhìn như gió yên biển lặng, nhưng trên thực tế lại có những cơn sóng ngầm đang cuộn tràn mãnh liệt. Những thiên tai mà đại dương gây ra quá đáng sợ, quá hung bạo như lốc xoáy nhiệt đới, triều cường, sóng thần,...

Lốc xoáy nhiệt đới

Lốc xoáy nhiệt đới là một kiểu hệ thống khí áp thấp, chủ yếu hình thành ở mặt biển cách xích đạo từ 3 - 5 vĩ độ như Nam Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương. Đây là thiên tai thường xảy ra ở biển. Trong đó, bão, lốc xoáy đều là những kiểu lốc xoáy nhiệt đới mạnh thường xảy ra ở bề mặt biển vùng nhiệt đới, khi di chuyển trên biển sẽ tạo ra những con sóng lớn, một khi vào đến bờ sẽ có thể gây ra thương vong nghiêm trọng.

Triều cường, bão lụt

Triều cường hay bão lụt, sóng thần là một hiện tượng xảy ra ở mặt biển do hệ thống khí hậu mạnh gây ra. Có thể chia thành bão triều cường và bão ôn đới, xảy ra chủ yếu ở gần bờ. Trong đó, bão triều cường vô cùng hung hãn, độ phá hủy mạnh, mực nước biển dâng cao bất thường, những con sóng lớn sẽ xô đổ các công trình kiến trúc, nhấn chìm nhà cửa, đồng ruộng, cuốn trôi con người và gia súc, là một kiểu thiên tai biển nghiêm trọng xảy ra ở vùng ven biển.

Sóng thần

Sóng thần là những cơn sóng lớn được phát ra do động đất dưới đáy đại dương, núi lửa phun trào, sụp đáy đại dương hoặc sạt lở đất dưới đáy đại dương gây ra, là một thiên tai biển có sức phá hủy cực kỳ lớn và nguy hiểm. Do ở vùng biển phía xa nước biển sâu, những con sóng gợn lên khá nhỏ, không dễ gây chú ý, nhưng khi đến gần bờ, năng lượng khổng lồ ấy sẽ khiến sóng đột ngột dâng cao. Tốc độ truyền của nó lên tới 600 - 1000m/h, có thể hình thành những con sóng khổng lồ cao từ 10 - 40m trong giây lát và xô vào bờ, gây ra những thiệt hại không thể lường trước được.

Ngày 20/05/1960, trận động đất 8.5 độ richter xảy ra ở Chile đã gây ra một trận sóng thần lớn, gây chấn động cả Thái Bình Dương.

Ngày 28/03/1964, trận động đất xảy ra ở Cảng Valdez, Alaska, Mỹ đã gây ra cột sóng thần cao tới 51.8 mét.

Ngày 11/03/2011, vùng biển phía đông bắc Nhật Bản đã xảy ra trận động đất 9.0 độ richter gây ra sóng thần, vùng ven biển đã bị hủy diệt một cách tàn bạo, thậm chí còn có nguy cơ rò rỉ hạt nhân.

Những thiên tai do đại dương gây ra được nêu bên trên đã đủ khiến con người sợ hãi. Ngày nay, con người đã biết tận dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để dự báo thời tiết, thiên tai, ở một mức độ nhất định đã có thể giảm thiểu những tổn thất về kinh tế cũng như con người. Thế nhưng, đại dương biến đổi vô biên, vẫn còn rất nhiều hiện tượng nguy hiểm đến từ đại dương, vừa kỳ lạ, nguy hiểm nhưng lại âm thầm lặng lẽ không hề báo trước, cướp đi mạng người chỉ trong giây lát.

Mặt nước biển nhìn có vẻ bình lặng không gợn sóng kia rất có khả năng đang ẩn giấu những sát thủ vô hình khiến con người phải sợ hãi. Cùng tìm hiểu 2 hiện tượng kỳ lạ mà con người đã phát hiện trên biển, đọc xong có lẽ sẽ khiến bạn phải sợ hãi đại dương hơn lúc nào hết.

Dòng chảy rút xa bờ "xuất quỷ nhập thần"

Dòng chảy rút xa bờ hay còn gọi là dòng chảy xa bờ, dòng chảy rip là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Độ rộng của sóng biển khoảng 3 - 4m, có thể chảy từ bờ ra biển với tốc độ 10.000m/h. Nó là sát thủ vô hình trong lúc con người không hề phòng bị gì, hàng năm ở các vùng biển đều có người bị dòng chảy xa bờ này cướp đi tính mạng. Cho dù mực nước chưa tới thắt lưng nhưng một khi gặp phải dòng chảy này thì rất có khả năng sẽ bị sóng cuốn ra xa bờ trong thời gian rất ngắn, sau đó bị cuốn trôi ra biển mênh mông.

Dòng chảy xa bờ có thể xảy ra ở bất kỳ điều kiện thời tiết nào, hơn nữa còn gần như không hề có bất kỳ dấu hiệu dự báo nào, những người dạo chơi ở ven biển rất khó có thể nhận ra được. Dựa theo nghiên cứu trong nhiều năm của Brazil và Australia cho thấy, 90% số người chết đuối ở ven biển đều do dòng chảy xa bờ gây ra. Những nơi có dòng chảy xa bờ xuất hiện, đáy biển ở nơi đó thường thấp hơn hai bên, rất dễ hình thành các xoáy nước, những người ở gần những xoáy nước đó sẽ cảm thấy có một lực kéo, cuốn cực kỳ mạnh, sự kháng cự càng mãnh liệt thì sẽ càng hao tốn sức lực, cuối cùng bị cuốn xuống xoáy nước và chết đuối. Khi chơi ở bờ biển, không may gặp phải dòng chảy xa bờ thì phải tự cứu mình như thế nào? Phương pháp duy nhất chính là cố gắng hết sức bơi hướng ngang song song với bờ biển, đồng thời đừng cố miễn cưỡng đối kháng với xoáy nước đó.

Sóng độc thô bạo

Có lẽ nhiều còn có cảm thấy lạ lẫm với từ “sóng độc” hay còn gọi là sóng sát thủ này. Nó là một loại sóng mạnh trên biển, thường xuất hiện ở các rạn san hô, mũi đất hoặc bờ đê. Từ khi con người bắt đầu có chỉ dẫn đường biển thì đã liên tục có những thủy thủ hoặc các ngư dân lên tiếng nói bản thân đã từng bị những đợt sóng lớn đến và đi một cách vô hình tấn công, như thể nó có thuật tàng hình vậy, còn gọi hiện tượng này là "sóng sát thủ". Trong một khoảng thời gian rất dài, mọi người vẫn lầm tưởng rằng đây chỉ là truyền thuyết hoặc chỉ là những cơn sóng to bình thường mà người dân gặp phải mà thôi.

Mãi cho tới năm 1995, kim gia tốc kế và máy cảm biến áp suất của một đài nghiên cứu trên biển Drapner, Na Uy đã đo được một con sóng lớn, đỉnh sóng cao hơn đáy sóng gần 26m, rất giống với "sóng sát thủ" trong truyền thuyết. Khi ấy, con người mới phát hiện ra “sóng sát thủ” hay “sóng độc” là một hiện tượng biển thực sự tồn tại, đã dấy lên rất nhiều tranh luận trong giới khoa học, đồng thời đã mở ra rất nhiều cuộc nghiên cứu về "sóng sát thủ". Do sóng sát thủ đến và đi một cách lặng lẽ, vô hình, chỉ kéo dài trong một một thời gian rất ngắn, trước khi xảy ra lại không hề có bất kỳ dấu hiệu nào, vì thế nên rất ít khi được ghi chép lại, khiến con người rất khó dự phòng. Nhưng nó lại gây ra sự uy hiếp rất lớn đối với người và tàu thuyền, những con sóng lớn đến một cách đột ngột sẽ cuốn người và tàu vào trong đại dương chỉ trong chốc lát.

Có nhà khoa học suy đoán rằng, tội đồ thực sự gây ra rất nhiều sự kiện chìm tàu thần bí có lẽ chính là sóng sát thủ. Tuy nhiên, sóng sát thủ rốt cuộc được hình thành như thế nào? Đến nay vẫn chưa có một kết luận rõ ràng nào. Các nhà khoa học cho rằng, rất có khả năng là do các nguyên nhân như gió mùa đông bắc, bão, địa hình, sóng, trào lưu,... tạo thành, nguyên nhân cụ thể vẫn cần phải nghiên cứu sâu hơn. Chúng ta tới bờ biển chơi, cùng với việc hưởng thụ khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn thì cũng cần phải đặc biệt chú ý, cẩn thận, nhất là khi bão sắp tới, hay gió mùa thổi mạnh, tốt nhất là không nên nghịch nước hoặc ở lâu nơi bờ biển.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới