TIN TỨC » Kiến thức

Đắk Nông từng tách ra từ tỉnh nào?

Thứ bảy, 17/08/2024 08:11

Đắk Nông là một tỉnh mới của khu vực Tây Nguyên, được tách ra từ một tỉnh khác. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn về tỉnh Đắk Nông, cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Quá trình hình thành và phát triển của một vùng đất, một tỉnh thành luôn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về lịch sử của tỉnh Đắk Nông. Theo đó, tỉnh Đắk Nông được chia tách từ tỉnh Đắk Lắk, chính thức được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004. Hơn 20 năm hình thành và phát triển, tỉnh Đắk Nông đã tạo nên những kỳ tích cho riêng mình và khu vực Tây Nguyên trù phú.

Tỉnh Đắk Nông đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm qua

Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên, thuộc biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nằm ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia.

Tỉnh Đắk Nông có diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2. Đắk Nông nằm trọn trên cao nguyên M'Nông, độ cao trung bình khoảng 600 m đến 700m so với mặt nước biển, có nơi lên đến 1.982m (Tà Đùng).

Nhìn tổng thể, địa hình Đắk Nông như hai mái của một ngôi nhà mà đường nóc là dãy núi Nam Nung, chạy dài từ Đông sang Tây, có độ cao trung bình khoảng 800m, có nơi cao đến hơn 1.500m. Địa hình có hướng thấp dần từ Đông sang Tây. Các huyện Đăk Song, Đăk Mil, Cư Jut, Krông Nô thuộc lưu vực sông Krông Nô, sông Srêpốk nên thấp dần từ Nam xuống Bắc. Các huyện Tuy Đức, Đăk Rlâp, Đăk Glong và thị xã Gia Nghĩa thuộc thượng nguồn lưu vực sông Đồng Nai nên thấp dần từ Bắc xuống Nam.

Theo số liệu thống kê năm 2019, dân số toàn tỉnh là 625.822 người. Cơ cấu dân tộc đa dạng chủ yếu là dân tộc Kinh, M'Nông, Tày, Thái, E Đê, Nùng... Dân cư phân bố không đều trên địa bàn các huyện, nơi đông dân cư chủ yếu tập trung ở các trung tâm xã, thị trấn huyện lỵ, ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ. Có những vùng dân cư thưa thớt như một số xã của huyện Đắk Glong, Tuy Đức.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam của Tây Nguyên, Đắk Nông có Quốc lộ 14 nối thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền đông Nam bộ với các tỉnh Tây nguyên, cách Thành phố Hồ Chí Minh 230 km về phía Bắc và cách Thành phố Ban Mê Thuột (Đắk Lăk) 120 km về phía Tây Nam; có Quốc lộ 28 nối Đắk Nông với Lâm Đồng, Bình Thuận và các tỉnh Duyên hải miền Trung, cách Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) 170 km và Thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) 160km về phía Đông. Đăk Nông có 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, có 02 cửa khẩu Bu Prăng và Dak Peur nối thông với Mondulkiri, Kratie, Kandal, Pnom Penh, Siem Reap,... của nước bạn Campuchia. Với vị trí địa lý như trên sẽ tạo điều kiện cho Đắk Nông có thể mở rộng giao lưu với các tỉnh trong khu vực Tây nguyên; vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Duyên hải miền Trung và nước bạn Campuchia, là nguồn động lực để Đăk Nông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong tương lai sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực Tây Nguyên.

Đăk Nông có cảnh quan thiên nhiên đa dạng để phát triển du lịch

Đăk Nông có vẻ đẹp tự nhiên phong phú, hài hòa với những dòng thác xen lẫn núi đồi, thung lũng và rừng nguyên sinh. Nơi đây đẹp nhất vào mùa xuân, từ khoảng tháng 1 vì đã qua mùa mưa, trời trong xanh và mát mẻ, thác nhiều nước. Sang tháng 3 đầu tháng 4 là mùa nở rộ của hoa cà phê, tháng 5-6 là mùa hoa muồng hoàng yến. Mùa hè ở Đăk Nông thường có mưa, nhưng nhanh ngớt. Vì vậy, Đăk Nông là điểm đến lý tưởng cho du khách mỗi khi đến với vùng đất Tây Nguyên suốt quanh năm.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)