Đến nay, độ bao phủ BHYT đã đạt khoảng 93,35% dân số, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.
Tuy nhiên, những quy định về khám bệnh bằng BHYT (bảo hiểm y tế) không phải ai cũng nắm rõ.
Đăng ký khám BHYT tại trạm y tế, làm gì để hưởng BHYT đúng tuyến khi đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, việc chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên liền kề phải theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1.
Vì vậy, nếu đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại trạm y tế phường (tuyến 4) muốn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương (tuyến 1), bạn cần có giấy chuyển tuyến theo đúng trình tự trên.
Đăng ký khám BHYT tại trạm y tế, để hưởng BHYT đúng tuyến khi đi khám tại bệnh viện tuyến trung ương cần có giấy chuyển tuyến (Ảnh minh họa).
Đăng ký khám BHYT tại bệnh viện trung ương này, đến bệnh viện trung ương hoặc bệnh viện tỉnh khác khám, được hưởng BHYT thế nào?
Theo Điều 22 Luật BHYT, trường hợp tự đi khám BHYT không đúng tuyến và có thực hiện đầy đủ thủ tục khám BHYT đúng quy định (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh), quỹ BHYT sẽ thanh toán như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương: Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám BHYT ngoại trú.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh: Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám BHYT ngoại trú.
(Ảnh minh họa)
Khám chữa bệnh ở quận/thành phố khác nhưng cùng tuyến
Theo Điều 22 Luật BHYT, nếu bạn đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại một quận nhưng lại đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế ở quận khác cùng thành phố và thực hiện đầy đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh), quỹ BHYT vẫn chi trả như bình thường theo tuyến đã đăng ký.
(Ảnh minh họa)
Khám chữa bệnh ở tuyến trên
Tùy thuộc vào nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu, mức hưởng BHYT khi khám chữa bệnh ở tuyến trên sẽ khác nhau. Cụ thể:
Đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến huyện/phòng khám đa khoa/trạm y tế tuyến xã.
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh: Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.
(Ảnh minh họa)
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.
Đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh/trung ương.
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: Quỹ BHYT chi trả 40% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh: Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú; không thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú.
Khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện: Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.
Khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế xã: Không được quỹ BHYT thanh toán.
(Ảnh minh họa)
Lưu ý: Bài viết mang tính chất tham khảo chung. Để nắm rõ quyền lợi BHYT trong từng trường hợp cụ thể, bạn nên liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH hoặc cơ sở y tế để được tư vấn chi tiết.