Khác với Gia Cát Lượng xuất thân ẩn dật, Tư Mã Ý sinh trưởng trong một gia đình danh giá. Cha ông là Tư Mã Phòng, một quan viên dưới trướng Tào Tháo, ông nội là Tư Mã Tuấn, Thái thú Toánh Xuyên. Từ nhỏ, Tư Mã Ý đã nổi tiếng với trí thông minh xuất chúng, tư duy chiến lược sắc bén và kiến thức uyên bác. Sử sách ghi chép ông là người “từ nhỏ đã có phẩm chất kỳ lạ, thông minh và có chiến lược lớn, học rộng biết nhiều, học thuyết Nho giáo sâu sắc”. Ngay cả Thôi Diễm, một văn thần phục vụ nhà họ Tào, cũng phải thừa nhận tài năng của Tư Mã Ý khi nhận xét với anh trai ông, Tư Mã Lương, rằng: “Em của ngài thông minh, sáng suốt và kiên quyết, không ai sánh kịp”.
Tư Mã Ý có chỉ số IQ cao ngất vượt mặt cả Gia Cát Lượng
Tuy nhiên, Tư Mã Ý ban đầu không có ý định phục vụ Tào Tháo. Ông từng giả bệnh để từ chối lời mời làm quan, khiến Tào Tháo nghi ngờ và sai người điều tra. Tư Mã Ý đã khéo léo qua mặt được Tào Tháo, chứng tỏ sự tinh ranh và khả năng dự đoán tình huống. Cuối cùng, trước sự kiên trì của Tào Tháo, sau khi thống nhất miền Bắc, Tư Mã Ý buộc phải nhận chức văn học duyện để tránh họa sát thân.
Bước vào chính trường đầy sóng gió, Tư Mã Ý luôn hành động thận trọng, từng bước củng cố địa vị. Ông hiểu rõ bản chất đa nghi và tàn nhẫn của Tào Tháo, nên luôn tỏ ra trung thành tuyệt đối, ủng hộ mọi quyết định của Tào Tháo, từ việc lên ngôi Quốc công đến Hoàng đế. Chính sự nhẫn nhịn, khéo léo này đã giúp ông sống sót qua ba đời họ Tào, trong khi nhiều nhân tài khác bị nghi kỵ và loại trừ.
Trên chiến trường, Tư Mã Ý cũng là một đối thủ đáng gờm của Gia Cát Lượng. Mặc dù hai người được xem là kỳ phùng địch thủ, nhưng xét về hậu vận, Tư Mã Ý đã chiến thắng. Trong khi Gia Cát Lượng cống hiến hết mình cho nhà Thục Hán nhưng cuối cùng vẫn không thành công trong việc khôi phục nhà Hán, thì Tư Mã Ý lại kiên nhẫn chờ đợi thời cơ, âm thầm tích lũy sức mạnh và cuối cùng đã đặt nền móng cho nhà Tấn thay thế nhà Ngụy.