TIN TỨC » Kiến thức

Đào móng làm sập nhà hàng xóm: Ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại?

Thứ sáu, 15/11/2024 14:06

Việc đào móng gây sập nhà hàng xóm không còn là chuyện hiếm gặp. Vậy, nếu đào móng, thi công công trình gây sập nhà hàng xóm thì ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại?

Trên thực tế, việc đào móng gây ra sụt lút, nứt nẻ, hư hại thậm chí sập nhà của các công trình hay nhà cửa liền kề xảy ra rất nhiều, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Nếu đào móng gây sập nhà hàng xóm thì ai sẽ là người phải bồi thường thiệt hại?

Đào móng gây sập nhà hàng xóm thì ai là người bồi thường thiệt hại?

Hiện nay, diện tích đất ở các thành phố rất eo hẹp và mật độ dân số cao nên đa phần các nhà ở thành phố thường được xây dựng san sát nhau. Vì thế, khi xây dựng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng lớn đối với nhà bên cạnh. Có rất nhiều trường hợp xây nhà, đào móng gây nứt nẻ tường thậm chí làm đổ nhà bên cạnh. Mới đây nhất, một ngôi nhà 2 tầng số 62 đường Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội bất ngờ đổ sập. Nguyên nhân ban đầu xác định do nhà số 60 (liền kề) đang trong quá trình tiến hành đào móng. Rất may mắn, vụ việc không gây thiệt hại về người.

Việc đào móng gây sập nhà hàng xóm không phải là hiếm (Ảnh minh hoạ)

Vậy việc thi công các công trình, đào móng, xây nhà gây ra nứt tường, làm hỏng nhà hàng xóm liệu có phải bồi thường không? Trả lời vấn đề này, theo các luật sư, đầu tiên cần phải xác định nguyên nhân khiến cho căn nhà sập đổ.

Trước hết, cần phải xác định nguyên nhân khiến cho căn nhà sập đổ là do việc thi công nhà mới hay do chính ngôi nhà đã cũ kỹ và tự sụp đổ. Bên cạnh đó, cũng cần xác định thêm rằng việc đó có lỗi của bên thi công hay không. Chẳng hạn như đơn vị thi công đã không khảo sát các công trình lân cận; hoặc khi thi công không có người giám sát nên để sự cố xảy ra... Nếu có căn cứ cho rằng việc thi công móng nhà chính là nguyên nhân dẫn đến việc sập đổ nhà hàng xóm thì khi đó chủ nhà đang thi công sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại theo quy định. Việc bồi thường sẽ được căn cứ vào mức độ lỗi và mức độ thiệt hại gây ra.

Vậy ai sẽ là người bồi thường thiệt hại khi sự cố này xảy ra? (Ảnh minh hoạ)

Quy định về bồi thường thiệt hại do việc xây dựng nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Điều 605 thuộc Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa và các công trình xây dựng khác gây ra như sau: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác sẽ phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó đã gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, các công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì sẽ phải liên đới bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp có lỗi thì việc bồi thường sẽ là do chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý và sử dụng nhà cửa thực hiện. Nếu trong quá trình thi công mà xuất hiện lỗi của đơn vị thi công thì phải liên đới chịu trách nhiệm.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 3 thuộc Thông tư 03/2018/TT-BXD hướng dẫn Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thì việc bồi thường thiệt hại sẽ do các bên tự thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu một bên không thống nhất với mức bồi thường thiệt hại được đưa ra thì có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã giải quyết hoặc có thể khởi kiện tại Tòa án.

Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới