Đóng dấu kiểm định là một phần quan trọng trong quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm, giúp cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm từ trang trại cho đến bàn ăn của người tiêu dùng. Khâu này được thực hiện sau khi quá trình giết mổ và việc kiểm tra đã hoàn tất, trước khi thịt được phân phối, tiêu thụ.
Nhìn thấy dấu kiểm định trên thịt lợn, bạn có thể yên tâm rằng đây không phải là thịt của con lợn bệnh , và nó được giết mổ theo quy trình an toàn.
Dấu kiểm định được cơ quan chức năng đóng trực tiếp trên da lợn, trên dấu kiểm định có số serie, ngày tháng kiểm tra và các thông tin khác liên quan. Nhiều người cắt bỏ phần da có dấu kiểm định vì sợ ăn phải mực in sẽ có hại cho sức khỏe. Vậy điều này có thực sự cần thiết không?
Dấu kiểu định trên thịt lợn có độc hại không?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các mực in hoặc chất liệu dùng để tạo dấu kiểm định phải bảo đảm an toàn, không chứa các thành phần độc hại như chì, thủy ngân hay các hóa chất cấm.
Mực in được phép sử dụng trong ngành thực phẩm thường là mực thực phẩm hoặc mực không chứa thành phần độc hại, được các cơ quan chức năng cấp phép. Do đó, nếu việc kiểm định được thực hiện đúng quy trình, sử dụng các loại mực và vật liệu hợp pháp, dấu kiểm định trên thịt lợn sẽ không độc hại.
Với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt, các cơ quan chức năng cũng bảo đảm rằng dấu kiểm định trên thịt lợn không làm ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Điều này đồng nghĩa với việc, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi thấy dấu kiểm định trên sản phẩm thịt lợn mình mua, miễn là chúng đến từ các cơ sở sản xuất, giết mổ có uy tín và được cấp phép hoạt động.
Cách chọn thịt lợn ngon, sạch, an toàn
Về màu sắc, mùi thịt
Một trong những cách chọn thịt lợn sạch phổ biến nhất là quan sát màu và xem xét mùi của thịt. Theo đó, thịt lợn chất lượng sẽ có màu hồng nhạt đến đỏ thẫm, mùi không bị ôi thiu. Khi cắt thịt theo chiều dọc sẽ thấy được phần thịt khô ráo bên trong, cơ hơi se lại, lớp bì mềm, mỡ màu trắng trong đến hơi ngà và khi ngửi không có mùi gắt dầu. Ngoài ra khi đem luộc, nước sẽ trong, xuất hiện váng mỡ to và không bị bọt nhiều.
Về độ đàn hồi
Dùng tay ấn thử vào miếng thịt thấy thịt đàn hồi tốt, sau khi rút tay về thịt trở lại hình dáng ban đầu, trên mặt thịt không tồn tại vết lõm là thịt tươi ngon.
Lúc chạm vào thấy thớ thịt săn chắc, không quá cứng cũng không bị nhão, không có dịch nhớt chảy ra thì có thể chọn mua.
Về lớp mỡ, da
Lợn được nuôi trong điều kiện bình thường sẽ có lớp mỡ dày khoảng 1.5 - 2 lóng tay, bạn có thể dễ dàng quan sát lớp mỡ và da dày như là đặc điểm đơn giản nhất để nhận dạng thịt lợn không bị nuôi thúc trọng lượng.
Nên chọn những miếng thịt lợn có kết cấu thịt, mỡ riêng biệt, nhưng phải dính chặt vào nhau, dùng tay chạm vào thấy khó tách rời.
Những miếng thịt có mỡ và thịt nạc rời nhau, dùng tay chạm vào có dịch vàng chảy ra là lợn được nuôi bằng chất tạo nạc, không nên mua.
Dấu hiệu thịt lợn bị nhiễm ký sinh trùng, thịt lợn bẩn
Bên cạnh có mùi tanh, ôi thiu và có độ đàn hồi kém, thịt lợn kém chất lượng còn có màu sắc bất thường. Cụ thể:
• Thịt lợn đóng dấu: Bề mặt da lợn có những nốt tròn đỏ, tía hoặc son hoặc màu tím bầm với kích thước khác nhau.
• Thịt lợn bị thương hàn: Bề mặt da có những nốt bầm hoặc lấm tấm xuất huyết.
• Thịt lợn bị tụ huyết trùng: Thịt có những mảng bầm, tụ máu.
• Thịt lợn bị nhiễm giun sán: Xuất hiện những hạt như hạt gạo nếp (đây là ấu trùng sán tập trung thành từng bọc) trên thịt.
• Thịt lợn bị ngâm hàn the: Quan sát thấy thấy thịt nhão, rỉ dịch và có mùi không tươi như bình thường. Sau khi rửa sẽ thấy thịt chuyển sang màu nhạt dần và có mùi tanh vì ngâm phẩm màu pha tiết lợn.
• Thịt lợn bị tả: Những nốt xuất huyết thường nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt.
• Thịt lợn bị viêm gan: Thịt lợn có màu vàng.