Lễ đình chùa miếu phủ đầu năm là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Tại Hà Nội nhiều địa chỉ tâm linh, đặc biệt có Thăng Long Tứ Trấn. Thăng Long tứ trấn là 4 ngôi đền trấn tại 4 hướng của thủ đô Hà Nội gồm Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đền Kim Liên và Đền Quán Thánh. 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ, bảo vệ những vị trí huyết mạch Đông - Tây - Nam - Bắc. Thăng Long Tứ trấn còn là biểu tượng vẻ đẹp văn hóa tín ngưỡng dân gian, kiến trúc của người Việt. Vào những ngày đầu xuân, người dân thường đến dâng hương để cầu may mắn, bình an trong năm mới.
Ý nghĩa Thăng Long tứ trấn và một số lưu ý khi đi lễ
Trong năm 2022, Thăng Long tứ trấn đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. 4 địa điểm này được xem là đại biểu cho văn hóa biểu tượng tín ngưỡng dân gian người Việt. Tứ Trấn cũng là nơi thể hiện chiều dày lịch sử người Việt. Thăng Long tứ trấn còn gắn với việc ra đời kinh đô Thăng Long của thời nhà Lý những năm 1010. 4 ngôi đền ở 4 hướng của kinh thành, mang những nét kiến trúc độc đáo thờ 4 vị và để trấn 4 phương kinh thành. 4 ngôi đền là nơi thờ bốn vị thần trấn giữ bốn phương huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long. Các vị đã ngày đêm bảo vệ kinh đô Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay luôn yên bình và phồn vinh.
Tương truyền khi đi lễ tứ trấn thì người dân cần đi theo trình tự và phải đi đủ cả 4 đền và nhất định phải đi trong cùng 1 ngày. Trình tự đi lễ tứ trấn là: Đền Bạch Mã (trấn phía Đông); đền Voi Phục (trấn phía Tây); Đền Kim Liên (trấn phía Nam); Đền Quán Thánh (trấn phía Bắc). Trình tự này cũng phù hợp với quan điểm về phương hướng trong phong thủy và đi đủ để đảm bảo lễ tứ phương. Hiện nay nhiều người đã không còn câu lệ tục này nữa nhưng với những người thành tâm cung kính và truyền thống thì vẫn sẽ đảm bảo đi lễ theo đúng nguyên tắc này.
Chuẩn bị cúng phẩm đi lễ tứ trấn: Bạn có thể chuẩn bị lễ chay, lễ mặn. Lễ chay gồm hương, hoa quả tươi, oản, xôi chè. Lễ mặn có thể dâng gà, giò, chả, rượu, trầu cau. Tiền “giọt dầu”, tiền lẻ nên để vào hòm công đức, tốt nhất không đặt lên tay các thần. Hạ lễ thì hạ từ ban ngoài cùng đến ban chính.
Đền Bạch Mã, thờ thần Long Đỗ, trấn phía Đông
Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, trấn giữ phía Đông kinh thành Thăng Long xưa. Đền tọa lạc tại số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền được xây dựng từ thế kỉ thứ 9, là ngôi đền được xây dựng sớm nhất trong "Tứ trấn".
Trong cuốn sách cổ Việt Điện U Linh có ghi, vào năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra một vòng từ Đông sang Tây, đi đến đâu để lại dấu vết đến đó, rồi trở lại đền và biến mất. Từ dấu vết đó, nhà vua đã phác hoạ được bản đồ xây thành. Bản đồ phỏng theo vết chân ngựa trắng đã giúp đắp thành đứng vững thành công.
Do đó đền mới lấy tên là đền Bạch Mã (đền ngựa trắng) và tôn thờ thần Long Đỗ làm Thành Hoàng phía Đông của kinh thành Thăng Long. Hình ảnh ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng rất linh thiêng, được dân chúng bao đời tôn sùng, kính phục.
Đền Bạch Mã được xếp hạng Di tích lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986 và là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội. Hiện đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng. Cùng với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, di tích đền Bạch Mã là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội về nhiều mặt.
Hàng năm, vào ngày 12, 13/2 âm lịch, người dân tổ chức hội đền Bạch Mã với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao…
Đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang Đại vương, trấn phía Tây
Đền Voi Phục thờ thần Linh Lang Đại vương trấn giữ phía Tây - vị nhân thần duy nhất trong Tứ trấn. Đền tọa lạc tại phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền được xây dựng năm 1065 trên một khu gò đất cao thuộc vùng đất của trại Thủ Lệ.
Theo tương truyền, Linh Lang Đại Vương - con vua Lý Thái Tông và bà phi thứ chín Dương Thị Quang, người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược và đã hi sinh. Để ghi nhớ công lao của hoàng tử, vua Lý Thánh Tông đã sắc phong ngài là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Năm 1065, vua cho xây dựng đền thờ và tạc hai tượng voi đá quỳ trước cửa đền.
Tại cổng đền hiện nay, trước khi bước vào cổng tam quan là hai bức tượng voi phủ phục hai bên để nhắn nhủ tới người đời sau công lao của vị anh hùng bảo vệ bỡ cõi nước nhà.
Đền Voi Phục ngoài những ý nghĩa trấn yểm, bảo vệ cho kinh thành, còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau xuyên suốt dòng chảy lịch sử và đã trở thành biểu tượng kiến trúc của Hà Nội cần được giữ gìn và bảo tồn.
Hàng năm, để tưởng nhớ tới công lao của thần Linh Lang Đại Vương, nhân dân tổ chức lễ hội đền Voi Phục vào các ngày 9, 10, 11/2 âm lịch với sự tham gia của du khách thập phương.
Đền Kim Liên, thờ thần Cao Sơn Đại vương, trấn phía Nam
Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn đại vương, trấn giữ phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Đền trước thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tương truyền, Cao Sơn đại vương là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh (tức Thánh Tản Viên) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho muôn dân trăm họ.
Theo tài liệu đền Kim Liên, vào triều Lê, Lê Mẫn (Uy Mục Đế) thất đức, hung bạo càn rỡ có mưu đồ lật đổ Lê Tương Dực. Tháng 11 năm Kỷ Tỵ (1509), nhà vua lánh nạn vào Tây Đô dấy binh khởi nghĩa, khôi phục lại nghiệp của vua Cao Tổ, cứu vớt dân lành.
Bấy giờ, có ba vị đại thần là Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ và Nguyễn Văn Lữ phụng mệnh đem quân đi chinh phạt. Đến địa phận huyện Phụng Hoá (nay là huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thấy có ngôi đền cổ ghi bốn chữ "Cao Sơn đại vương", bèn cúi lạy khẩn cầu thần phù trợ, chưa đầy một tuần nghiệp lớn đã thành công. Cùng năm đó, vào ngày mùng 2 tháng Chạp, nhà vua giành lại ngai vàng.
Để tưởng nhớ đến công ơn thần, nhà vua đã cho dựng lại đền thờ to đẹp hơn ở phường Kim Hoa gần Thăng Long vào năm 1509. Đồng thời sai sử thần Lê Tung soạn văn bia lưu truyền, sớm hôm hương khói báo đáp ơn thần.
Hiện nay, trong đền còn có tấm bia đá đen “Cao Sơn Đại vương Thần từ Bi minh” ghi lại công lao của thần Cao Sơn trong việc ngầm giúp vua dành lại ngai vàng từ tay ngoại thích.
Ngoài ra đền còn lưu giữ 33 đạo sắc phong niên đại từ thời Vĩnh Tộ (1619 - 1628) đến thời Khải Định (1916 - 1925). Trong số 33 bản sắc, thời Lê trung hưng có 22 bản, thời Nguyễn có 11 bản.
Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội đền Kim Liên vào ngày 15, 16/3 âm lịch, để tưởng nhớ thần Cao Sơn Đại vương.
Đền Quán Thánh, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn phía Bắc
Đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ, trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa. Nay, đền nằm ở giữa ngã tư đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Truyền thuyết xưa kể rằng Huyền Thiên Trấn Vũ là một vị thần cai quản phương Bắc, giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái, trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông… Thời nhà Lê, vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có mùa màng gặp hạn hán.
Theo sử liệu, đền Quán Thánh xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên gò Hồi Long phía Đông Bắc Hồ Tây. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.
Đền Quán Thánh là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc biệt, lưu giữ nhiều tư liệu quý về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, tín ngưỡng ở nhiều thời kỳ lịch sử của Việt Nam. Trong đền đang lưu giữ Bảo vật quốc gia - pho tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc năm 1677 bằng đồng đen cao khoảng 4m, nặng 4 tấn. Pho tượng này nói lên trình độ đúc đồng rất đặc sắc của nhân dân ta thế kỉ 17. Đến hiện tại vẫn giữ được những đường nét tinh xảo, mềm mại.
Hàng năm, vào ngày 3/3 âm lịch, đền đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ vị thần đã có công diệt trừ tà ma, yêu quái mang lại cuộc sống bình yên cho người dân.