TIN TỨC » Kiến thức

Đây là ngôi làng có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, gấp 17 lần Hà Nội

Thứ năm, 29/02/2024 10:44

Xã biển này không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển làng Diêm Phố, nay là xã Ngư Lộc đây là nơi người dân ra khơi, bám biển để mưu sinh. Với quan niệm cá voi là "chúa tể" của biển cả, người dân xã Ngư Lộc đã lập đền thờ ngư Ông để tỏ lòng thành kính. Song song đó là lễ hội cầu ngư được tổ chức hằng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng.

Diêm Phố - tên gọi xưa, nay thuộc xã Ngư Lộc, một trong 5 xã vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tên Diêm Phố bắt nguồn từ nét đặc trưng, "diêm" là muối, "phố" là sự trù phú, mang tính chất thành thị, nơi dân cư làm nghề muối với đời sống khá sung túc. Diêm Phố có chùa Hoa Liên, nghè Cả, đền thờ Nẹ Sơn, đền thờ cá Voi…

Làng Diêm Phố có mật độ dân số cao nhất Việt Nam.

Theo thống kê của UBND xã Ngư Lộc, đến cuối năm 2022, tổng dân số của cả xã đã vượt qua con số 19.000 người, trong khi diện tích đất ở làng biển Diêm Phố chỉ vỏn vẹn 0,46km2, còn lại là đất bãi bồi và diện tích đảo Hòn Nẹ.

Ngư Lộc có mật độ dân số lên đến 40.000 người/km2, trong khi Hà Nội là 2.398 người/km2, TP.HCM là 4.375 người/km2.

Do mật độ dân số cao nên làng biển Diêm Phố nhìn từ trên cao, nhà tầng san sát không còn một chỗ trống

Ngư Lộc cũng là xã hiếm hoi không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Dân số đông, diện tích đất ở hẹp, nhìn từ trên cao xã Ngư Lộc giống như một thành phố thu nhỏ với những căn nhà mọc lên san sát như một "ma trận" nhà ở nơi vùng đất cửa biển.

Đất chật người đông nên ở làng biển Diêm Phố có nhiều ngõ siêu nhỏ, chỉ khoảng 1m bề ngang, thậm chí có đoạn chỉ vừa cho một người qua lại

Tuyến đê tránh lũ nối liền 5 xã vùng biển huyện Hậu Lộc là con đường rộng rãi nhất ở xã Ngư Lộc. Mỗi buổi sớm hay chiều tối, đây là nơi người dân tập trung ra hóng gió biển vào những ngày hè nóng bức. Đây cũng là nơi buôn bán hải sản tấp nập nhất ở địa phương.

Bắt đầu từ ngày 28 đến ngày 30 Tết, dạo quanh tuyến đường chính đi qua 7 thôn của xã Ngư Lộc, dọc hai bên là nhà ở san sát, kèm theo những cửa hàng tạp hóa nhộn nhịp kẻ mua người bán.

Thường vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, người dân góp tiền để làm cơm cúng ông, bà tổ tiên hai bên nội, ngoại (người dân nơi đây hay gọi là "ăn cỗ chạp" tại nhà được chọn thờ cúng ông bà, tổ tiên). Vào những ngày này, con, cháu trong gia đình gác hết mọi việc để về tham dự, quây quần bên nhau.

Một phong tục khác của người dân xã Ngư Lộc đó là vào các ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, ngư dân chọn ngày đi thuyền ra đảo Hòn Nẹ để cúng tế, xin lộc đầu năm, cầu cho một năm bội thu tôm cá.

Ngoài ra, để chuẩn bị các lễ hội diễn ra vào mùa xuân mới, từ Rằm tháng Chạp, hầu hết các dòng họ đã tổ chức họp, làm lễ tạ kính cáo tiên tổ, tổng kết năm cũ, bàn công việc năm mới, chuyển giao đăng cai từ chi này sang chi khác.

Tới ngày 30 tháng Chạp, từng dòng họ tập trung về từ đường, tiến hành Tết khuyến học, khuyến tài, vinh danh các cháu học giỏi, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, viếng mộ tổ, thượng cờ Tổ quốc, cờ họ, làm lễ tất niên với nghi thức tâm linh.

Với người dân nơi đây, ngày Rằm tháng Giêng quan trọng không kém gì Tết Nguyên đán, sau khi kết thúc nghi lễ, các gia đình lại sum vầy, tổ chức liên hoan linh đình, hy vọng một năm mới ngập tràn hạnh phúc.

"Nếu nói về phong tục ăn Tết ở xã Ngư Lộc thì nhiều lắm. Nhưng thường thì tục lệ ăn Tết kéo dài cả tháng dường như cũng ít vùng quê nào giống như vậy", cụ ông Nguyễn Văn Đức (87 tuổi, ở xã Ngư Lộc) chia sẻ.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới