TIN TỨC » Kiến thức

Đây là nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới, 28 lần mỗi phút, 10 tiếng mỗi đêm

Thứ bảy, 29/06/2024 22:03

Đây là nơi hứng chịu nhiều sét đánh nhất trên Trái đất. Khu vực này có thể bị sét đánh tới 28 lần mỗi phút, kéo dài trong vòng 10 giờ liên tục. Đó là địa danh nào?

Thi thoảng, bất chợp trong những cơn giông, chúng ta giật mình bởi những tia sét. Chỉ một vài tia sét thôi cũng làm không ít người phải kinh sợ, ấy vậy mà có những nơi trên thế giới phải chịu tới 28 cú sét trong mỗi 60 giây và hiện tượng này có thể kéo dài hàng chục giờ đồng hồ mỗi ngày. Nó được mệnh danh là nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới. Cùng chúng tôi tìm hiểu xem đó là nơi nào nhé!

Hồ Maracaibo

Hồ Maracaibo là nơi giữ kỷ lục Guinness vì bị sét đánh nhiều nhất thế giới. Cao điểm vào mùa mưa tháng 10, hồ Maracaibo có thể hứng 28 cú sét trong một phút, kéo dài liên tục trong vòng 10 giờ.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong nhiều năm để lý giải cường độ bão và sét nhiều bất thường ở đây. Ban đầu, họ cho rằng là do các mỏ urani ở khu vực hồ hút sét. Gần đây, một số nhà khoa học cho biết độ dẫn điện của không khí trên mặt hồ tăng do khí metan giải phóng từ các mỏ dầu bên dưới hồ. Độ dẫn điện của không khí tăng dẫn đến có nhiều sét đánh xuống hồ. Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các yếu tố về địa hình như độ dốc của triền núi, độ cong của bờ biển kết hợp.

Điều đặc biệt là sét chỉ đánh ở cùng một địa điểm, thời gian và lặp lại như vậy trong suốt 300 ngày mỗi năm. Đó là khi hoàng hôn buông xuống trên hồ Maracaibo - một hồ nước lợ lớn ở tây bắc Venezuela - cũng là khi gió lớn nổi lên, sấm sét bắt đầu xé toạc bầu trời. Trong suốt nhiều năm, người địa phương thường xuyên phải chứng kiến sự "cuồng nộ" của tự nhiên với những cơn bão sét hoành hành khoảng 10 tiếng mỗi đêm.

Vì có tới hàng ngàn tia sét phóng xuống mỗi đêm nên bầu trời ở hồ Maracaibo gần như lúc nào cũng rực sáng. Người địa phương còn lợi dụng thứ ánh sáng này để xác định phương hướng khi lái thuyền trong đêm tối. Sách kỷ lục Guinness thế giới trao danh hiệu "nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới" cho hồ Maracaibo.

Những tia sét được các thủy thủ sử dụng để làm cột mốc tự nhiên trong nhiều thế kỷ. Họ gọi chúng với cái tên "Đèn hiệu Maracaibo", hay "Sét Catatumbo". Người dân có thể nhìn thấy những tia sét ở khu vực này khi đứng cách đó hơn 400 km.

Thời điểm hồ Maracaibo bị sét đánh nhiều nhất trong năm vào tháng 10. Đó là lúc hàng loạt các cơn bão mang theo mưa lớn cùng sấm chớp đổ xuống. Có thời điểm nơi này chịu tới 28 cú sét trong một phút - đủ nguồn năng lượng thắp sáng cho 100 triệu bóng đèn.

Các chuyên gia dành nhiều năm cố gắng tìm kiếm lời giải đáp cho hiện tượng đặc biệt này. Có giả thuyết cho rằng, xung quanh hồ Maracaibo nhiều mỏ uranium nên mới hút sấm sét. Tuy nhiên, vì thiếu bằng chứng nên lập luận này bị bác bỏ.

Sau đó, các nhà khoa học cho rằng không khí phía trên hồ Maracaibo tăng độ dẫn điện do khí mêtan bốc lên từ các dầu mỏ bên dưới. Khi khí mêtan bị ion hóa gặp không khí lạnh hơn từ dãy núi tạo nên sự gặp gỡ giữa hai dòng điện, tạo ra điện tích cực lớn phóng dưới dạng tia sét.

Bên cạnh đó, địa hình và các kiểu gió độc đáo tại khu vực cũng góp phần tạo nên hiện tượng này. Sét Maracaibo bắt nguồn từ những đám mây bão lớn ở độ cao trên 5.000m. Tùy vào độ ẩm của không khí trong các đêm khác nhau mà những tia sét xuất hiện ở khu vực hồ Maracaibo có màu sắc khác biệt.

Khi độ ẩm không khí cao, những tia sét màu đỏ rực, hồng, cam tới tím. Khi độ ẩm không khí thấp, những tia sét sẽ có màu trắng. Trong một buổi tối, người dân có thể nhìn thấy những tia sét vô số màu sắc khác nhau.

Vì thế, ngày càng nhiều khách du lịch gan dạ đổ xô tới nơi này để chứng kiến "màn trình diễn" âm thanh và ánh sáng ngoạn mục của trời đất. Nhiều người kinh ngạc và cảm thấy thích thú khi chiêm ngưỡng hiện tượng đặc biệt này.

Một số nhà khoa học còn tiết lộ thời điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn những tia sét độc đáo xuất hiện ở hồ Maracaibo là trong khoảng thời gian tháng 9 - 11 hàng năm.

Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới