TIN TỨC » Kiến thức

Đi tảo mộ Thanh minh có nên ăn uống luôn tại nghĩa trang hoặc ăn đồ cúng tại mộ? Rất nhiều người vẫn làm sai

Chủ nhật, 24/03/2024 13:07

Tết Thanh minh là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam. Ngày Tết Thanh minh gắn với nghi lễ tảo mộ, sửa sang lại phần mộ của gia tộc cho khang trang, sạch sẽ hơn.

Tết Thanh minh là ngày gì?

Thanh minh là tiết khí thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm, đến sau Lập xuân 60 ngày, sau Đông chí 105 ngày. Tết Thanh minh chính là ngày đầu tiên của tiết khí này.

Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào 4/4 Dương lịch (tức 26/2 Âm lịch).

Tết Thanh minh tuy không phải là một dịp Tết lớn nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với truyền thống phong tục của người dân Việt Nam.

Vào ngày này, con cháu cùng nhau về thăm mộ của tổ tiên, dọn dẹp quét rửa mộ phần và bày mâm cúng mong được phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh bình an. Với

Không khí các nghĩa trang trong dịp Thanh minh thường nhộn nhịp vì cả trẻ con cũng được cho đi theo để nhận biết phần mộ tổ tiên, học hỏi về lòng kính ngưỡng gia tiên và cách thực hành các nghi lễ truyền thống. Những người sống xa quê cũng thường thu xếp về tảo mộ, không nhất thiết phải về đúng ngày Tết Thanh minh mà có thể chọn bất kỳ ngày nào thuận tiện, rảnh rỗi trong dịp này.

Đi tảo mộ thanh minh có nên ăn uống luôn tại nghĩa trang hoặc ăn đồ cúng tại mộ?

Công việc chính của tảo mộ dịp Thanh minh là sửa sang mộ phần tổ tiên sạch sẽ, đắp lại mộ, rẫy hết cỏ dại và những cây mọc hoang trùm lên mộ để tránh rắn, chuột đào hang, làm tổ trong mộ...

Sau đó thì thắp hương, đặt hoa, đốt chút vàng mã cho linh hồn người mất. Lúc này các cụ già, người lớn, trẻ em thành kính khấn vái tổ tiên. Trẻ em cũng được theo gia đình đi tảo mộ để biết dần những phong tục, rèn cho trẻ sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ Thanh minh, và thuộc hết các mộ phần của gia tiên.

Một trong những nét đi tảo mộ Thanh minh khác xưa. Đó là trước kia các cụ đi tảo mộ chỉ có nén hương, vàng mã, hoa tươi - thì ngày nay nhà nào cũng xôi, gà, rượu, bia... mang theo. Ví dụ như ở một số nghĩa trang, nhiều gia đình cúng lễ xong thì ngả lễ, quây quần thụ lộc ngay tại nghĩa trang. Họ tận dụng tất cả những chỗ có bãi trống, bóng cây... để thuê cái chiếu, tấm bạt cùng nhau ăn uống, đánh chén.

Những dãy lán lợp bạt tạm như chợ quê, chia ô đánh số rất dễ tìm. Mỗi ô có thể trải vài chiếc chiếu, hoặc bạt cũ dưới đất, sát các bia mộ (ai lần đầu đến đây mà yếu bóng vía chắc không dám ngồi ăn). Lúc này các gia đình lấy ra đủ thứ thực phẩm, nồi, bếp từ mang theo, góp vào chỗ đồ cúng để con cháu cùng thụ lộc. Thịt gà, bánh chưng, giò, muối chanh... bày hết lên chiếu thành bữa liên hoan sau tảo mộ.

Không ít nhà mang theo can rượu trắng bật nắp rồi chắt ra các chai lọ mang theo chia cho cả đoàn uống để "đuổi âm khí". Một số nhà còn mang thêm bếp từ, nồi lẩu, thùng xốp thực phẩm ướp đá lạnh để ăn lẩu tại nghĩa trang, sum vầy, vui vẻ cùng… "các cụ". Thế là buổi trưa các ki ốt chật kín, nghĩa trang biến thành "nhà hàng tổng hợp khổng lồ" - có đặc trưng là người người ngồi bệt dưới chiếu, không phân biệt giàu hay nghèo và có khá nhiều chiếu ngồi sát nấm mộ, và không ít người đánh chén xong dựa luôn vào thành mộ làm một giấc.

Gia chủ cúng Thanh minh xong không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang.

Theo chia sẻ của chuyên gia phong thủy Hà Thanh, gia chủ cúng xong không nên ăn đồ cúng ở nghĩa trang - bởi quan niệm từ xưa cho rằng đó là nơi có nhiều năng lượng xấu, rất dễ nhiễm vào đồ ăn, thức uống. Nếu có ăn thì những thực phẩm đó không còn ngon lành, vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, còn rất dễ bị lạnh bụng, tiêu chảy...

Với đồ uống thì nên dùng nước lọc sạch, không nên pha trà, uống nước trà ở nghĩa trang, mộ phần vì quan niệm dân gian cho rằng trà có khả năng hút âm khí và các năng lượng xấu rất mạnh.

Theo ông, muốn gia đình, họ tộc, con cháu ăn uống, đánh chén trong dịp Thanh minh thì tốt nhất sau khi đi tảo mộ ở nghĩa trang hãy đi chỗ khác, hoặc thuê nhà để để rửa ráy sạch sẽ mới ăn uống.

Hoặc về nhà tẩy uế thân thể xong thì mới dâng cỗ cúng Thanh minh tại gia - lúc này gia tiên mới nhận được và thụ hưởng (theo quan niệm của một số người thì cúng bái ở nghĩa trang đông đúc các cụ có thể không nhận được, hoặc nhận đủ vì những "vong lang thang" sẽ cướp hết). Con cháu sau khi xả hơi, nghỉ ngơi lúc này mới tề tựu ăn uống sum vầy vui vẻ và an toàn cho cơ thể.

Những kiêng kỵ khác cần chú ý trong Tết Thanh minh

Kiêng chụp ảnh khi tảo mộ

Thanh minh là dịp lễ quan trọng trong văn hóa Việt, con cháu sẽ tụ về để tảo mộ, dọn dẹp, cúng bái ông bà, tổ tiên. Trong tất cả các điều tối kỵ trong lễ Thanh minh chính là chụp ảnh trước mộ. Lý do là cảnh vật xung quanh chỉ toàn mồ mả, ảm đạm, không thích hợp để chụp ảnh, rất dễ bị vong quanh đó chú ý và theo về, gặp vận xui.

Phụ nữ mang thai hay mất chồng 3 năm đầu thì không nên đi tảo mộ

Phụ nữ mang thai hoặc mất chồng 3 năm đầu được khuyến khích không nên đi tảo mộ. Đối với người mang thai thì thời kỳ này nhạy cảm, lúc tảo mộ dễ va chạm, ngoài ra nghĩa trang là nơi tụ âm khí, tử khí không tốt cho sức khỏe thai phụ lẫn thai nhi.

Ngoài ra, phụ nữ mất chồng 3 năm đầu thì không nên đi tảo mộ chồng hay người thân trong nhà, dễ gây thị phi, xui xẻo sau này, thậm chí ảnh hưởng luôn mệnh vận của người vợ nếu muốn đi bước nữa.

Không nên cười đùa và mắng chửi khi đi tảo mộ

Nghĩa trang là nơi yên nghỉ của nhiều linh hồn, nếu bạn cười đùa hay mắng chửi lớn tiếng rất dễ làm những vong linh đang yên nghỉ nơi đây thấy khó chịu, chú ý bạn và gia đình bạn, thử hỏi nếu chẳng may họ theo bạn về tận nhà luôn thì như thế nào?. Không chỉ tại nghĩa trang mà khi đi ngoài đường, việc cười giỡn, chửi mắng nhau cũng được xếp vào cấm kỵ.

Nên ăn mặc kín đáo khi đi tảo mộ Tết Thanh minh.

Không ăn mặc hở hang khi đi tảo mộ

Việc tảo mộ cho gia tộc, ông bà là điều thiêng liêng, ngày này theo dân gian còn được xem là Tết Quỷ ngoài tháng 7 âm lịch, ngày này âm khí vượng, dương khí suy nên rất dễ gặp điều không hay. Nếu đến tảo mộ thì con cháu tránh mặc áo hở hang hay nhiều màu sắc, vì điều này gây phản cảm cũng như rất dễ bị các vong linh chú ý, người mặc cũng gặp vận rủi cả năm.

Không đi tảo mộ người ngoài

Khi tảo mộ, nếu bạn là người mới lần đầu tiên đi đến nghĩa trang để dọn dẹp, cúng bái thì nên hỏi kĩ phần mộ họ hàng, tổ tiên để tránh tảo mộ nhầm người ngoài. Điều này hết sức tối kỵ, bởi tảo mộ người ngoài rất dễ bị họ bám theo, ông bà tổ tiên quở trách, dễ gặp vận xui rủi.

Không tổ chức việc hỉ, sinh nhật hay tiệc tùng vui chơi giải trí

Ngày Tết Thanh minh là ngày âm thịnh, dương suy, do đó nên hạn chế tổ chức việc mừng, ăn nhậu, sinh nhật, tiệc tùng, liên hoan hay chúc nhau, bởi rất dễ chiêu dụ vong linh bên ngoài vào, gây ảnh hưởng đến mệnh vận của bạn và những ai tham gia.

Để tóc phủ trước trán, mua giày trong tiết Thanh minh

Sau cùng, chính là tránh để tóc phủ trước trán, bởi khu vực này là nơi thần minh soi rọi, cửa vận mệnh của bản thân, ngày Tết Thanh Minh nếu để tóc phủ trước trán thì giống như tự mình đóng cửa, ngăn cách các vị thần phật che chở mình, điều này rất dễ chiêu tà, ảnh hưởng mệnh tự. Ngoài ra, mua giày trong ngày này cũng không nên bởi chữ “hài” (giày) và chữ “tà” đồng âm, mua giày như rước họa vào thân vậy!

(*)Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới