TIN TỨC » Kiến thức

'Đời người thắng ở hợp độ, thua ở vô độ', lời Tổ tiên truyền lại muốn nhắn nhủ con cháu điều gì?

Chủ nhật, 10/03/2024 08:00

Mỗi câu nói của người xưa đều ẩn chứa triết lý sâu sắc về cuộc sống, về nhân sinh quan, và vẫn luôn đúng cho đến tận ngày nay.

Thứ nhất, gia đình phải có độ ấm

Theo như chữ Giáp Cốt thì gia (家) mang ý nghĩa chỉ những người cùng nhau chung sống dưới một mái nhà. Hay nói cách khác, gia chính là nơi mà những người thân thích sống chung. Người xưa có câu rằng: “Hữu phu hữu phụ, nhiên hậu vi gia”, tức là có chồng có vợ, tự nhiên sẽ thành gia đình.

Gia đình không phải là cái nhà trống rỗng hay văn phòng để làm việc, cũng không phải là một không gian được xây dựng có đầy đủ các loại của cải vật chất như ti vi, tủ lạnh… mà còn có hơi ấm của tình thân, của con người. Vật chất phong phú sẽ giúp con người có cuộc sống đầy đủ và sung túc, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định, cũng không phải là yếu tố lâu dài.

Từ “gia” ở đây mang ý nghĩa về sự ấm áp hơn là vật chất đầy đủ. Ngôi nhà chính là bến cảng bình an, là bến đỗ của con thuyền sau nhiều ngày tháng bôn ba xa xôi. Vì thế, đã là gia đình nhất định phải có độ ấm áp, nếu không nó chỉ đơn giản là một căn nhà trống mà thôi.

Thứ hai, hành xử phải có khí độ

Mỗi người trong cách hành xử và làm việc đều phải biết tiết chế, cương nhu thích hợp; biết được khi nào nên cứng rắn khi nào nên mềm mỏng để công việc hoàn thành tốt đẹp. Có những việc dụng tâm quá mức chưa hẳn đã là tốt, thậm chí còn có thể khiến cho người khác oán thán không thôi. Đặc biệt, những người nắm giữ trọng trách càng cao, làm việc càng cần phải có khí độ.

Mỗi quyết định hay việc làm của mỗi người đều ảnh hưởng đến vận mệnh của xã hội nên cần phải làm việc sao cho hợp với đạo lý. Người xưa nói “Danh chính ngôn thuận, ngôn thuận sự sẽ thành”. Vì thế, một việc hợp đạo lý chắc chắn sẽ thành công.

Thứ ba, kết giao cần có cung độ

Cung độ ở đây ý chỉ sự chừng mực. Kết giao bạn bè không nhất thiết phải nhiều, nhưng quan trọng là chân thành. Trong cuộc sống, dù là bạn bè cũng không nên tham gia quá mức vào công việc cá nhân của đối phương. Làm gì cũng phải có chừng mực, đừng gần gũi quá mà sinh ra vô lễ. Bạn bè hữu nghị, chỉ khi cùng tâm thì chí mới được lâu dài.

Thứ tư, làm việc cần có tốc độ

Đời mỗi người ngoài thời niên thiếu cùng với khi về già, thời gian làm việc và gây dựng sự nghiệp cũng không được quá dài. Vì thế, điều quan trọng là phải nắm bắt được thời cơ, làm gì cũng cần chuyên tâm và dứt khoát, hiệu quả, có tốc độ thì mới mong thành công. Mỗi người cũng cần phải ý thức hơn nữa về vấn đề thời gian, giữ lời hứa về thời hạn thì mới có thể giữ được chữ tín, từ đó sẽ kết giao rộng rãi hơn và làm nên nghiệp lớn.

Thứ năm, ăn uống không được quá độ

Từ xưa, con người đã rất coi trọng việc ăn uống. Nguyên nhân bởi, việc ăn uống có thể phản ánh được chính xác phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Như người xưa quan niệm “nhìn tướng biết người”, ý chỉ hành vi nhỏ như cách ăn uống cũng có thể tiết lộ người đó như thế nào.

Thông qua hành động ăn uống - hành động mỗi ngày của con người cũng phản ánh mức độ tu dưỡng. Một người ăn uống vô độ chắc chắn sẽ khiến người khác không muốn kết giao, nói gì đến hợp tác lâu dài. Nhiều người cho rằng, bạn bè thân hữu gặp nhau nhất định phải rượu chè vô độ, ăn uống thoải mái… Họ vô tư đến mức ăn uống cũng chẳng còn rõ ràng, suy nghĩ càng thêm hỗn loạn. Thậm chí, có những người ăn uống vô độ đến mức mất hết bạn bè tình thân, phong thái lịch sự. Vì thế, ăn uống cần phù hợp, không nên phóng túng vô độ kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe và tu dưỡng của bản thân.

Thứ sáu, rèn luyện phải thường độ

Người xưa có câu rằng “Sinh mệnh quyết định ở chỗ vận động”. Sinh mệnh đối với mỗi người là điều vô cùng quý giá nhưng cũng rất yếu ớt. Một người khi quý trọng sinh mệnh của bản thân, nhất định sẽ chăm chỉ rèn luyện. Rèn luyện thân thể mới có thể tiêu trừ mệt nhọc, tăng cường sức khỏe, kéo dài thọ mệnh. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải rèn luyện cả về tâm tính của mình, nên có lối nghĩ phóng khoáng, lạc quan và biết hài lòng, biết đủ.

Thứ bảy, hưởng thụ phải có xả độ

Cổ nhân dạy “Thế bất tận sử, phúc bất tận hưởng”, tức là có quyền có thế không nên dùng hết, có phúc cũng không nên dùng hết. Phúc báo có lẽ chính là điều mà ai cũng mong muốn có được trong cuộc đời. Tuy nhiên, “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc lại chính là nơi ẩn náu của mối họa, phúc nếu như hưởng hết thì họa sẽ đến. Con người càng sống đến tuổi trung niên, lão niên thì càng cần hiểu được sự buông bỏ, xả bỏ, không nên truy cầu ham muốn cũng như tham lam mong có được. Đó mới chính là cách hưởng thụ thực sự của một người thông minh.

*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm

Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới