TIN TỨC » Kiến thức

Đồng Tháp được sáp nhập từ hai tỉnh nào?

Thứ năm, 09/01/2025 06:39

Tỉnh Đồng Tháp được thành lập tháng 2/1976 trên cơ sở hợp nhất từ 2 tỉnh này.

Đồng Tháp ngày nay là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích trên 3.300 km2, nằm hai bên bờ sông Tiền. Đồng Tháp có 50 km đường biên giới với Campchia (phía tây bắc); giáp các tỉnh Long An, Tiền Giang (phần phía bắc sông Tiền); các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và thành phố Cần Thơ (phía nam sông Tiền).

Tỉnh Đồng Tháp được thành lập tháng 2/1976 trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Sa Đéc và Kiến Phong cũ. Ban đầu, 3 tỉnh Long Châu Tiền, Sa Đéc, Kiến Tường được dự kiến sáp nhập thành tỉnh mới. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tình hình thực tế ở miền Nam, nhà nước đã quyết định điều chỉnh lại việc hợp nhất một số tỉnh từ khu 6 trở vào, trong đó tỉnh Sa Đéc và tỉnh Kiến Phong cũ được hợp nhất thành Đồng Tháp. Khi mới thành lập, tỉnh Đồng Tháp gồm thị xã Sa Đéc (tỉnh lỵ) và 5 huyện: Cao Lãnh, Tam Nông, Hồng Ngự, Lấp Vò, Châu Thành và hai thị trấn. Đến năm 1994, nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển vùng Đồng Tháp Mười đầy tiềm năng, trung tâm tỉnh lỵ được dời về Cao Lãnh.

TP. Cao Lãnh - Đồng Tháp

Là một tỉnh nông nghiệp, Đồng Tháp sản xuất nhiều lương thực và các loại nông, thủy sản có giá trị xuất khẩu. Đất đai Đồng Tháp màu mỡ bởi phù sa do hai con sông Tiền và sông Hậu cung cấp hàng năm, xóm làng trù phú giữa bốn bề cây cối xanh tươi. Vì thế Đồng Tháp được biết đến như một vựa lúa của cả nước. Ở đây có giống lúa nổi một loài lúa mọc tự nhiên từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10 thu hoạch mà không cần chăm bón. Đồng Tháp cũng là vùng đầy triển vọng về các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, bông, thuốc lá, đậu tương và cây ăn trái như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt Lai Vung, bưởi Phong Hòa, chôm chôm, vú sữa, mãng cầu có quanh năm.

Vùng đất Đồng Tháp Mười ngày xưa nổi tiếng hoang vu với lắm bưng, trần, đìa, bàu, với bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng và lau, sậy,... Đây là giang sơn của các loài động vật hoang dại như: rắn, rùa, chuột ếch, chim muông, cua, cá sấu.

Hoa sen là đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười

Giờ đây về thăm Đồng Tháp, du khách như trở về với cội nguồn thiên nhiên bởi bầu không khí trong lành, mát mẻ của những cánh đồng lúa phì nhiêu, đến viếng Khu Di tích Mộ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, đài liệt sĩ, Khu Di tích Gò Tháp, Chùa Kiến An Cung, Vườn Quốc Gia Tràm Chim - Tam Nông, Khu Di tích Xẻo Quít, làng hoa kiểng Tân Qui Đông, các vườn cây ăn trái Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Thạnh Hưng...

Thành phố Cao Lãnh cách quốc lộ 1A 36km, cách Tp. Hồ Chí Minh 162km. Nằm trên bờ sông Cao Lãnh (một nhánh nhỏ của sông Tiền tách ra sau 15km lại chảy vào sông Tiền), ở ngay sát Đồng Tháp Mười mênh mông, là trung tâm kinh tế của Đồng Tháp.

Có tuyến xe khách trực tiếp từ Tp. Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên tới Cao Lãnh. Thành phố Sa Đéc cách Tp. Hồ Chí Minh 143km, nằm ở nút giao giữa Vĩnh Long và Long Xuyên.

Khí hậu vùng Đồng Tháp khá dễ chịu, lý tưởng cho du lịch khám phá. Đồng Tháp có 2 mùa đặc trưng là mùa mưa và mùa khô: Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Đây là thời điểm “vàng” để du lịch đến Đồng Tháp, lúc này Đồng Tháp như khoác lên mình một chiếc áo mới, khung cảnh trở nên tươi mới và đầy sức sống, hệ sinh thái bừng tỉnh, những đồng sen nở rộ, khoe sắc tỏa hương thơm ngát

Mùa khô ở đây từ tháng 12 cho đến tháng 4 năm sau. Đây cũng là thời điểm mùa xuân, thời tiết tốt để đi tham quan và khám phá hết vẻ đẹp của Đồng Tháp. Đó là vẻ đẹp quyến rũ của những vườn hoa đang khoe sắc xuân, tỏa hương, là vẻ đẹp của mùa quýt Lai Vung đang vào độ thu hoạch, chín vàng và căng mọng. Ngoài ra, thời tiết khô ráo cũng thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc di chuyển và thăm quan.

Nam Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)