Không ngoa khi nói rằng, ngày nay để tìm được một công việc tốt phù hợp với năng lực của bản thân và có một môi trường làm việc tích cực vô cùng khó. Phỏng vấn giờ đây cũng không chỉ dựa vào bản CV nữa, nhà tuyển dụng giờ đây còn xem xét trên nhiều yếu tố. Muốn vào được những công ty hàng đầu, CV đẹp thôi chưa đủ bạn phải có thêm những điều kiện khác như EQ cao, tích cực sáng tạo, tính cách tốt...
Quy trình phỏng vấn là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nhà tuyển dụng xác định mức độ phù hợp của ứng viên với yêu cầu công việc và văn hóa công ty. Phân biệt rõ ràng giữa ứng viên “tốt” và “tệ” thật sự rất khó vì họ đều có những nét khác biệt, và để khắc phục tình trạng này nhiều nhà tuyển dụng đã đưa ra những tình huống đánh đố các ứng viên, nếu ai trả lời một cách thông minh người đó sẽ là người chiến thắng.
"Nếu cho bạn 3 tỷ đồng để ngồi tù trong vòng 1 năm, liệu bạn có đồng ý hay không? Các bạn hãy cho tôi câu trả lời sau 3 phút cân nhắc
Một nữ sinh vừa tốt nghiệp ra trường, có bằng thạc sĩ trong tay nhưng vẫn thất nghiệp dù đã gửi hồ sơ đến rất nhiều công ty. Trải qua nhiều vòng phỏng vấn nhưng bằng một cách nào đó vẫn trượt, lần này, nữ sinh viên rút ra một bài học nghiên cứu rất kỹ về công ty mà mình ứng tuyển mọi cách thức phỏng vấn và quy trình tuyển dụng đều được cô nghiên cứu kỹ càng thông qua nhiều nguồn. Do đã chuẩn bị kỹ càng trước về kiến thức chuyên môn cùng thông tin công ty, tập trả lời các câu hỏi phỏng vấn liên quan, cô sinh viên đã thể hiện rất tốt trong nửa đầu cuộc phỏng vấn, thành công tiến vào vòng hỏi đáp cuối cùng.
Ở trong vòng phỏng vấn cuối cùng gồm 4 ứng viên, không phải những câu hỏi mang tầm vóc vĩ mô, giám đốc bộ phận nhân sự bất ngờ đưa ra một câu hỏi khiến tất cả ứng viên đều ngỡ ngàng: "Nếu cho bạn 3 tỷ đồng để ngồi tù trong vòng 1 năm, liệu bạn có đồng ý hay không? Các bạn hãy cho tôi câu trả lời sau 3 phút cân nhắc".
Mặc dù không ai kịp chuẩn bị tâm lý cho câu hỏi này, mọi người vẫn nhanh chóng ổn định và chìm vào suy nghĩ riêng của bản thân. Sau khi ba phút nhanh chóng trôi qua, vị giám đốc quay lại phòng và yêu cầu từng người trả lời.
Một cậu thanh niên nhanh chóng giơ tay đầu tiên. Cậu trả lời rằng: "Trước hết, tôi cho rằng câu hỏi này không thể thành lập dựa trên các điều kiện cơ bản. Dựa vào quy chế luật pháp hiện hành, sẽ chẳng có ai được phép bỏ ra 3 tỷ để nhờ người khác ngồi tù thay cả. Vì vậy, câu trả lời của tôi chính là không có câu trả lời cho tình huống giả lập sai lầm này."
Vị giám đốc không nói gì mà chỉ cười.
Thấy vậy, một cô gái khác lập tức đứng dậy và đưa ra câu trả lời khác: "Số tiền 3 tỷ này thực ra có thể coi như một khoản lương ứng trước cho cả năm. Nếu coi "đi tù" là một công việc, một nhiệm vụ được cấp trên giao phó để hoàn thành, sau khi thực hiện tốt có thể nhận mức lương là 3 tỷ, vậy tôi nghĩ chẳng có lý do gì không chấp nhận nó cả. Liệu có bao nhiêu công việc trên đời này giúp chúng ta kiếm ra 3 tỷ chỉ trong 1 năm cơ chứ?"
Vị giám đốc lấy làm ngạc nhiên với cách tư duy của nữ ứng viên này.
Lúc sau, một người đàn ông mặc vest công sở khác vô cùng tự tin nói ra: "Đầu tiên, tôi sẽ chấp nhận yêu cầu và nhận lấy 3 tỷ đó, nhưng tôi sẽ không đi tù. Có 3 tỷ trong tay, tôi sẵn sàng bỏ ra 1 tỷ, thậm chí là 1 tỷ rưỡi hoặc 2 tỷ để tìm một người khác sẵn sàng đi tù thay. Thế là mọi chuyện được giải quyết dễ dàng."
Vị giám đốc nghe xong câu trả lời thì không ngừng tán dương năng lực phản ứng và sự linh hoạt của người đàn ông này.
Cuối cùng, đến lượt nữ sinh viên nọ. Thật bất ngờ khi cô là người duy nhất từ chối thẳng thừng yêu cầu ấy: "Xin lỗi nhưng tôi sẽ không bao giờ đồng ý với cách trao đổi này. Đầu tiên, không bàn đến vấn đề cả đời này tôi có kiếm nổi 3 tỷ đó hay không, nhưng tôi chắc chắn rằng, người nào nên nhận chế tài của pháp luật thì bắt buộc phải nhận đủ mới thôi, người nào phải đi tù dù là 1 năm, hay chỉ 1 ngày, thì cũng bắt buộc phải tự mình ngồi tù theo đúng luật pháp. Việc dùng tiền để lách luật hoặc làm trái với pháp luật là một điều không thể chấp nhận. Tôi không cho rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả vấn đề, kể cả những sai lầm không thể cứu vãn. Đã làm sai thì phải chấp nhận bị trừng phạt xác đáng!".
Sau khi nghe câu trả lời của cả bốn người, vị giám đốc suy nghĩ kỹ càng một hồi rồi đứng dậy bắt tay với nữ sinh viên. Ông tuyên bố rằng: "Xã hội bây giờ, mọi người ngày càng tài năng, nhưng cũng ngày càng đánh mất giới hạn và lòng tự trọng của chính mình. Trước thành nhân, sau mới thành tài. Một nhân viên chân chính mà chúng tôi cần tìm phải là người biết giữ lòng chính trực như cô gái này, có như vậy, họ mới trung thành và tận tâm cống hiến, không bị mua chuộc bởi tiền bạc mà làm ra hành vi bán đứng công ty!".
"Bạn sẽ làm gì nếu đi trên sa mạc, có 10 chai nước nhưng đến 9 chai là độc?"
Khi được hỏi, ứng viên đầu tiên đã trả lời: "Nếu Chúa thực sự không muốn tôi sống, tôi cũng không còn cách nào. Nhưng tôi không muốn chết khát, tôi chắc chắn sẽ lấy một chai nước và uống trực tiếp để làm dịu cơn khát của mình". Câu trả lời tẻ nhạt này đã khiến anh ta mất điểm trước các nhà tuyển dụng bởi họ cần một người có sức sáng tạo và đặc biệt hơn.
Trong khi đó, ứng viên thứ 2 thì trả lời: "Vì tôi có 9 chai nước, sau đó tôi sẽ biết rằng chai cuối cùng chắc chắn có độc và không thể uống được. Vấn đề này chỉ đơn giản là một câu đố mẹo, vậy tại sao chúng ta lại phải tập trung vào đó như những kẻ ngốc vậy?". Câu trả lời mang tính thách thức này cũng khiến ứng viên thứ 2 bị loại.
Đến người phỏng vấn cuối cùng là một cô gái trẻ. Mặc dù còn trẻ nhưng cô gái này luôn thể hiện sự tự tin chứ không khúm núm, sợ hãi. Với câu trả lời đơn giản: "Nếu có thể nói, trong trường hợp đó tôi chắc chắn sẽ bước ra khỏi sa mạc với sức chịu đựng mạnh mẽ nhất, không chạm vào bất kỳ chai nước nào", cô gái đã "đánh gục" nhà tuyển dụng, nhận được sự thưởng thức từ những người nghe.
Chính cô gái là người giúp nhà tuyển dụng mở rộng cách nhìn nhận vấn đề, đưa ra bài học trong cuộc sống: Sống bằng sự can đảm của chính bạn và niềm tin mạnh mẽ về tinh thần. Hãy đủ can đảm để sống cuộc sống này, không thể bị đe dọa bởi một chút khó khăn, bạn sẽ đón nhận được nhiều điều bất ngờ trong cuộc sống.
"Nếu nhà bị cháy, bạn sẽ làm gì đầu tiên?"
Trong một chuyên đề hội thảo về tuyển dụng việc làm tại các trường đại học dành cho sinh viên năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp, có một doanh nghiệp lớn cử giám đốc nhân sự tới tham gia. Ông được lãnh đạo giao nhiệm vụ để ý và tìm kiếm những "hạt giống" sinh viên tốt. Nếu cảm thấy năng lực của người đó có thể góp ích cho doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể lưu lại hồ sơ để sau này liên lạc khi có vị trí cần tuyển dụng.
Sau nhiều bài thuyết trình lần lượt vang lên, rất nhiều kỹ năng và bí quyết nghề nghiệp được các diễn giả chia sẻ, đến lượt vị giám đốc nhân sự này lên phát biểu, anh ta chỉ hỏi cả khán phòng đúng một câu: "Nếu bây giờ tôi là nhà tuyển dụng, đặt ra câu hỏi phỏng vấn rằng: Bạn sẽ làm gì đầu tiên khi nhà mình xảy ra hỏa hoạn cháy rất lớn, các bạn sẽ trả lời thế nào?"
Tất cả khán giả, các sinh viên trong khán phòng đều vô cùng ngạc nhiên vì câu hỏi hoàn toàn không liên quan đến kiến thức chuyên môn hay bản lĩnh nghiệp vụ của mình. Thế nhưng, sau một hồi xôn xao, mọi người vẫn rầm rì bàn tán để cố gắng tìm ra câu trả lời, tạo ấn tượng với vị giám đốc nhân sự.
Một sinh viên khối ngành kinh tế là người đầu tiên đứng dậy trả lời rằng: "Nếu như gặp vào trường hợp như vậy, khi hỏa hoạn quá lớn và khó có thể dập tắt, tôi sẽ lập tức gom góp toàn bộ tiền mặt và những tài sản có giá trị của bản thân. Ngôi nhà có thể cháy mất, nhưng chỉ cần có tiền trong tay, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể mua lại được. Trong xã hội bây giờ, cho dù tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì chẳng thể làm được gì hết. Do đó, nếu có thể bảo vệ được tiền bạc và tư trang có giá trị rồi thoát khỏi đám cháy, tôi mới có lối thoát cho cuộc đời sau này của mình. Nghe thì có vẻ thực dụng nhưng đấy là sự thật của xã hội bây giờ".
Vị giám đốc nhân sự chỉ im lặng lắng nghe và khẽ mỉm cười, gật đầu, rồi tiếp tục chuyển mic cho một sinh viên khác.
Người trả lời thứ hai là một nữ sinh thuộc khối ngành văn hóa: "Nếu ngọn lửa không quá lớn, tôi sẽ tìm cách để nhanh chóng dập lửa vì tôi có thói quen trữ nước, rất nhiều nước trong phòng. Nếu may mắn dập tắt đám cháy ngay lúc đó, những tổn thất mà tôi có thể gặp phải sẽ giảm xuống rất nhỏ. Nhưng trong trường hợp lửa bùng lên quá lớn, tôi nghĩ mình sẽ đi tìm những thứ có ý nghĩa nhất với bản thân, những đồ vật chứa đựng giá trị kỷ niệm. Cho dù tiền mất hết thì dù ít dù nhiều, tôi có thể kiếm lại phần nào. Cho dù nhà cửa cháy sạch, tôi có thể đi thuê căn hộ khác. Nhưng nếu những kỷ vật này mà mất đi, nó sẽ thật sự biến mất, hoàn toàn không có gì thay thế được".
Vị giám đốc nhân sự vẫn bình tĩnh gật gù như lần trước, đợi nữ sinh trả lời xong, ông hỏi lại: "Tôi nhớ là mình đã đặt giả thiết hỏa hoạn rất lớn ngay từ đầu mà nhỉ?".
Và khi mic được chuyển đến tay người thứ ba, cậu thanh niên do dự một chút rồi thẳng thắn trả lời: "Nếu rơi vào trường hợp đấy, tôi sẽ tìm một chiếc khăn ướt để quấn lấy chính mình và người thân, rồi nhanh chóng thoát khỏi hiện trường vụ cháy để gọi cảnh sát, cứu hộ đến dập lửa. Tôi nghĩ, đảm bảo được an toàn cuộc sống của bản thân mới là điều quan trọng nhất. Sau đó, chỉ cần sinh mạng còn tồn tại, tất cả mọi thứ đều có thể được tái tạo từ đầu, cho dù đó là tình cảm, hay là tiền bạc, vật chất".
Từ trong câu trả lời này, vị giám đốc nhân sự nhìn thấy biểu hiện đầy tự tin vào năng lực của chính bản thân nằm trong cậu sinh viên thứ ba và cảm thấy vô cùng ấn tượng. Có thể nhận ra rằng, chính giá trị của một con người, năng lực và bản lĩnh của họ mới là thứ kho báu cần gìn giữ và trân trọng nhất trong cuộc đời. Đảm bảo an toàn và sức khỏe của bản thân, chúng ta mới có thể chờ được những cơ hội để thay đổi cả tương lai của mình. Đó mới là câu trả lời thuyết phục ông nhất.
Sau khi kết thúc buổi hội thảo, đánh giá cao tư duy của chàng trai này, vị giám đốc nhân sự quyết định giữ lại hồ sơ cá nhân của cậu ta. Sau một thời gian ông theo dõi và kiểm tra, nhận thấy năng lực học vấn và thái độ trên trường lớp đều vô cùng khả quan, cậu sinh viên còn chưa tốt nghiệp đã ngay lập tức nhận được lời đề nghị mời về làm việc cho doanh nghiệp mà ai cũng ước ao.