Từ ngày 1/1/2025, CMND sẽ hết hiệu lực
CMND, CCCD hay Căn cước là giấy tờ tùy thân theo quy định của Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau. Từ tháng 7/2024 Luật Căn cước có hiệu lực thì công dân sẽ được cấp Căn cước thay vì CCCD hay CMND như trước. Tuy nhiên để luật mới đi vào cuộc sống thì Luật có quy định về giai đoạn chuyển tiếp. Cụ thể điều 46 quy định về giai đoạn chuyển tiếp như sau:
“Điều 46. Quy định chuyển tiếp
1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.
4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.”
CMND sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025 vì thế cần đổi sớm trước ngày này (Ảnh minh họa)
Theo đó thì ngày 1/1/2025 CMND sẽ không còn hiệu lực nên người dân bắt buộc phải đổi sang Căn cước theo luật căn cước.
Không đổi sẽ phạt thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2021.NĐ-CP quy định xử phạt liên quan tới hành vi vi phạm về CMND, CCCD như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền;
b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân;
c) Không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan có thẩm quyền khi được thôi, bị tước quốc tịch, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; không nộp lại Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 144 cũng đề xuất mức xử phạt vi phạm tương tự. Như vậy từ 1/1/2025 những người còn dùng CMND chưa có Căn cước thì sẽ bị vi phạm việc cấp đổi căn cước. Khi cơ quan chức năng kiểm tra mà không xuất trình được giấy tờ hợp lệ sẽ bị xử phạt.
(Ảnh minh họa)
Thời gian cấp căn cước là bao lâu?
Theo Điều 26 Luật Căn cước, thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Đều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014, thời hạn được chia theo các trường hợp như sau:
- Tại thành phố, thị xã:
Cấp mới và cấp đổi: Không quá 07 ngày.Cấp lại: Không quá 15 ngày làm việc.- Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo: Thời gian thực hiện là không quá 20 ngày áp dụng cho tất cả các trường hợp.
- Tại các khu vực còn lại: Không quá 15 ngày cho tất cả các trường hợp.
Như vậy để đảm bảo luôn luôn có giấy tờ tùy thân hợp lệ, công dân đang dùng CMND nên lưu ý đi cấp đổi sang Căn cước trước thời điểm 1/1/2025 càng sớm càng tốt.