TIN TỨC » Kiến thức

Dùng điều hòa mức gió mạnh hay nhẹ thì tốn điện hơn? Kinh nghiệm từ thợ sữa chữa lâu năm khiến nhiều người sẽ bất ngờ

Thứ tư, 19/06/2024 15:52

Trên một chiếc điều hòa thông thường sẽ có 3-5 mức gió. Vậy bật mức gió mạnh hay mức gió nhẹ thì tốn điện hơn? Dùng điều hòa đã lâu song không phải người dùng nào cũng trả lời đúng câu hỏi này. Thậm chí còn rất nhiều người hiểu sai.

Dùng điều hòa mức gió mạnh hay nhẹ thì tốn điện hơn?

Mùa hè là lúc nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát trong các gia đình tăng lên. Bên cạnh quạt máy, hiện nay điều hoà được ưa chuộng hơn cả bởi hiệu quả làm mát tốt. Tuy nhiên, có một nỗi lo khi dùng điều hoà trong thời gian dài đó là hoá đơn tiền điện từ đó sẽ tăng cao.

Giải quyết cho nỗi lo này, nhiều chuyên gia cũng như các thợ sửa chữa chuyên nghiệp có kinh nghiệm lâu năm đã chỉ ra các cách để việc dùng điều hoà vừa đạt hiệu quả lại tiết kiệm điện. Trong số đó, việc dùng điều hòa mức gió mạnh hay nhẹ thì tốn điện hơn cũng là điều được chú ý.

Dùng điều hòa mức gió mạnh hay nhẹ thì tốn điện hơn?

Theo kinh nghiệm của một người thợ sửa chữa điều hòa lâu năm, chế độ gió ở điều hòa càng mạnh, hay càng cao, đồng nghĩa với việc hơi lạnh từ điều hòa được tỏa ra trong không gian càng nhanh hơn. Sau đó, cảm biến trên điều hòa sẽ tự động nhận biết rằng nhiệt độ căn phòng đã đạt được mức mong muốn như người dùng cài đặt thông qua điều khiển.

Lúc này, điều hòa sẽ bắt đầu giảm công suất và hoạt động chậm lại. "Như vậy có thể nói, sử dụng mức quạt gió trên điều hòa càng mạnh thì thời gian đạt tới nhiệt độ người dùng mong muốn lại càng ngắn lại. Điều này giúp gia đình tiết kiệm điện năng tốt hơn", người thợ nói. Ngược lại, bật quạt gió ở chế độ thấp, gió nhẹ sẽ đưa khí lạnh từ thiết bị phả ra lan tỏa ra cả căn phòng trong thời gian dài, chậm hơn, từ đó tốn nhiều điện hơn.

Những chú ý khác khi dùng điều hòa sẽ tiết kiệm điện hơn

Không bật tắt liên tục và nhớ ngắt aptomat

Nếu có thói quen để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát thì tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì lại bật máy một lúc thì bạn nên dừng lại. Bởi thực tế, đây là một sai lầm làm tốn điện thêm và còn nhanh hỏng máy.

Khi khởi động, máy điều hòa phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và để làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu. Vì khi đó nhiệt độ trong phòng đã nóng lên vài độ, đến mức cơ thể cảm nhận được.

Thao tác Bật/Tắt liên tục cũng khiến điều hòa giảm độ bền. Theo lời khuyên, hãy luôn bật máy và tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30 phút là hợp lý. Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ điện ngầm.

Chọn chế độ “dry”

Dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ “Cool” (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết” sang chế độ “Dry” (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Thao tác đơn giản trên sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.

Chế độ Dry sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần.

Trên thực tế, phương pháp này tiết kiệm điện bởi khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng cho hoạt động này của điều hòa là khá nhiều. Trong khi đó, nếu ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.

Chống thoát nhiệt qua khe hở

Khi bật điều hòa, nếu căn phòng nhà bạn có khe hở, sẽ không thể mát nhanh và dễ bị thất thoát không khí lạnh ra ngoài. Nếu điều hoà mới còn có thể làm mát nhanh, nhưng các loại máy cũ đã sử dụng lâu, việc không khí lạnh bị lọt ra ngoài từ kẽ hở sẽ khiến máy luôn hoạt động công suất cao.

Bạn có thể tự kiểm tra bằng cách ra bên ngoài đặt tay vào cửa sổ, các kẽ hở của cửa ra vào. Nếu tay thấy mát thì chắc chắn không khí trong nhà lọt ra ngoài. Vì vậy, bạn có thể bịt kín các kẽ hở bằng keo hoặc nhờ thợ vào kiểm tra, xử lý.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới