TIN TỨC » Kiến thức

Dung nhan thực sự 10 vị hậu phi của Càn Long: một phi tử có mặt giống với Phú Sát Hoàng Hậu, Gia Phi không phải là tuyệt thế mỹ nhân

Thứ sáu, 02/04/2021 06:09

Các phi tần trong các bộ phim cung đấu thời nhà Thanh luôn sở hữu vẻ đẹp sắc nước hương trời nhưng liệu dung nhan thật sự của các hậu phi trong lịch sử có giống vậy.

Từ sau khi bộ phim cung đấu “Diên Hi công lược” phát sóng năm 2018 đến nay, độ hot về hậu cung của Càn Long thời nhà Thanh vẫn luôn không hề giảm sút. Có rất nhiều khán giả vẫn còn nhớ Phú Sát Hoàng Hậu dịu dàng đoan trang, còn nhớ Ngụy Anh Lạc thông minh chính trực, còn nhớ Nhàn Phi tâm tư thâm trầm đầy mưu mô.

Trong “Diên Hi Công Lược”, cho dù là Phú Sát Hoàng Hậu do Tần Lam đóng hay là Ngụy Anh Lạc do Ngô Cẩn Ngôn đóng, hoặc là Nhàn Phi do Xa Thi Mạn đóng, ai ai cũng đều xinh đẹp khí chất, khiến người ta không khỏi nảy sinh suy nghĩ rốt cuộc thì những vị phi tử này của Càn Long trên thực tế trông như thế nào?

Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu - Phú Sát Hoàng Hậu

Phú Sát Hoàng Hậu và vua Càn Long quen nhau từ nhỏ, bà đã cùng Càn Long đi qua vô số những phong ba bão táp, là người mà Càn Long yêu thương nhất trên đời. Sau khi Phú Sát Hoàng Hậu qua đời, hàng năm Càn Long đều đích thân tảo mộ cho bà, còn dùng nhiều bài thơ để tưởng nhớ bà. Từ đó có thể thấy tình cảm nồng hậu giữa vua Càn Long và Phú Sát Hoàng Hậu. Phú Sát Hoàng Hậu trong di họa để lại cũng có khí chất đoan trang quý tộc, khuôn mặt hiền từ nhân hậu, có phong thái của một mẫu nghi thiên hạ.

Huệ Hiền Hoàng Quý Phi - Cao Giai Thị

Cao Giai Thị chính là Quý Phi và Hoàng Quý Phi đầu tiên của Càn Long, tuy rằng không được Càn Long ân sủng như Phú Sát Hoàng Hậu, nhưng cũng là một người được Càn Long sủng ái trong vô số các phi tần của mình. Từ trong tranh có thể thấy, Cao Giai Thị có diện mạo cực kỳ giống Phú Sát Hoàng Hậu, cũng có lẽ chính bởi yêu ai yêu cả đường đi lối về, vì điểm giống này nên Càn Long cũng đối xử rất tốt với Cao Giai Thị.

Hiếu Nghi Thuần Hoàng Hậu - Ngụy Giai Thị

Ngụy Giai Thị chính là hình mẫu gốc của Ngụy Anh Lạc, là mẫu thân của vua Gia Khánh sau này. Bà vào cung khá muộn, không có xung đột trực tiếp với Phú Sát Hoàng Hậu, quan hệ giữa hai người cũng khá tốt. Vì thế sau khi Phú Sát Hoàng Hậu qua đời, phi tử được Càn Long sủng ái nhất chính là Ngụy Giai Thị. Vì nỗi nhớ thương dành cho Phú Sát Hoàng Hậu, Ngụy Anh Lạc mãi vẫn chỉ có thể làm Hoàng Quý Phi, nhưng quyền lực lại không có gì khác biệt so với Hoàng Hậu. Sau khi Ngụy Giai Thị qua đời, Càn Long mới truy phong cho bà làm Hoàng Hậu.

Thục Gia Hoàng Quý Phi - Kim Giai Thị

Kim Giai Thị cũng không có gì nhiều để nói. Ban đầu bà chỉ là một phi tử bình thường, vì sinh liền được cho Càn Long 2 vị hoàng tử nên từ Quý Nhân được thăng lên làm Quý Phi, cũng cực kỳ được Càn Long sủng ái. Còn về tranh của Gia Phi, cũng vô cùng đoan trang, tú lệ.

Thuần Huệ Hoàng Quý Phi - Tô Thị

Tô Quý Phi giống với Kim Giai Thị, đều dựa vào việc sinh vài người con trai nên mới có cơ hội nâng cấp thân phận, cũng rất được Càn Long sủng ái. Nhưng Tô Quý Phi lại mắc bệnh phổi trong thời gian dài, có lúc thậm chí còn ho ra máu, cuối cùng vì bệnh phổi mà qua đời, hưởng thọ 48 tuổi.

Khánh Cung Hoàng Quý Phi - Lục Phi

Lục Thị vào cung khá muộn nhưng cũng là phi tử được Càn Long sủng ái, thường xuyên đi nam tuần với Càn Long, còn được làm mẹ nuôi của vua Gia Khánh, có quan hệ khá tốt với Ngụy Giai Thị. Cuối cùng sau khi qua đời cũng được mai táng trong Dụ Lăng, trong cùng một mộ với vua Càn Long. Dung nhan của Lục Thị là kiểu thanh tú, hiền lành, chỉ là trong tranh do màu son của môi trên và môi dưới khác nhau nên có thể khiến một vài người thấy khó chịu.

Hân Quý Phi - Đới Giai Thị

Bản thân Hân Quý Phi Đới Giai Thị có xuất thân cao quý, phụ thân bà là tướng quân của Hắc Long Giang. Bà dựa vào tiếng tăm của phụ thân vào cung, ban đầu đã được phong làm tần, đáng tiếc sau này không sinh được con trai, chỉ sinh được công chúa. Trong lễ chế phong kiến thời đó, chính vì không sinh được con trai nên bà chắc chắn cũng không được ân sủng nhiều hơn. Cuối cùng cũng chỉ có thể trở thành Quý Phi.

Tuần Quý Phi - Doãn Nhĩ Căn Giác La Thị

Khác với Đới Giai Thị, Tuần Quý Phi ngay từ đầu lại không được thuận lợi, vừa mới vào cung không lâu đã gặp phải tang lễ của Sùng Khánh Hoàng Thái Hậu, vì thế mà ngay từ đầu Tuần Quý Phi ngay cả lễ sắc phong cũng không được tổ chức. Vài năm sau đó cũng luôn bị Càn Long thờ ơ, mãi tận 3 năm sau mới được tổ chức sắc phong, cuối cùng cũng không được mai táng trong Dụ Lăng.

Dĩnh Quý Phi - Ba Lâm Thị

8 vị phi tử bên trên đều là nữ nhi người Mãn, nhưng Ba Lâm Thị lại khác, bà là người tộc Mông Cổ. Cuộc hôn nhân giữa bà và Càn Long cũng chỉ là một cuộc hôn nhân chính trị, mục đích chính là để duy trì quan hệ hữu hảo giữa hai bên. Vì thế, Ba Lâm Thị cũng không được sủng ái cho lắm, mãi cho tới thời vua Gia Khánh, thấy bà tại vị đã lâu mới phong bà làm Quý Phi của vua Càn Long. Trước đó, Ba Lâm Thị đều chỉ là Dĩnh Phi sống trong cung mà thôi. Cuộc đời không được sủng ái này của Ba Lâm Thị mới chính là bức chân dung tả thực về cuộc sống của đa số các nữ tử trong chốn hậu cung.

Thuận Quý Nhân - Nữu Cổ Lộc Thị

Điều đáng nhắc đến là Thuận Phi mà Trương Gia Nghê thủ vai trong “Diên Hi Công Lược” thực ra chỉ là Thuận Quý Nhân. Còn trong phim, Thuận Quý Phi quốc sắc thiên hương khuynh quốc khuynh thành, từng là một trong những đối thủ của Ngụy Anh Lạc. Nhưng từ trong bức di họa của Thuận Quý Nhân có thể thấy, nhan sắc này lại không được nổi bật cho lắm.

Hơn nữa, trong lịch sử thực tế, Nữu Cổ Lộc Thị là một Quý Nhân, không thể so sánh được với Hoàng Quý Phi Ngụy Giai Thị, Ngụy Giai Thị lớn hơn Thuận Quý Nhân 22 tuổi, khi Thuận Quý Nhân vào cung, Ngụy Giai Thị đã ngồi vững trên vị trí Hoàng Quý Phi rồi, không hề có chuyện tranh giành quyền lực giữa hai người. Vì thế cả hai không hề nảy sinh xung đột, trừ phi Thuận Quý Nhân chán sống.

Ngoài ra, hậu cung của Càn Long thực ra vẫn còn rất nhiều Phi Tần, Quý Nhân và Đáp Ứng, địa vị của họ lại thấp hơn những người bên trên, số phận cũng khá thê thảm, đa phần đều không gặp được Càn Long, chỉ có thể một mình sống buồn tẻ qua ngày gặp nhấm nỗi cô đơn. Khi Phú Sát Hoàng Hậu và Ngụy Giai Thị được sủng ái, chính là khi những nữ nhi khác phải hao tổn thanh xuân và dung nhan của mình. Từ đây cũng có thể nhìn thấy được sự tổn thương mà phụ nữ thời phong kiến phải gánh chịu.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới