Người ta thường nhắc đến Dương Quý Phi là “một trong tứ đại mỹ nhân” Trung Hoa, và điều đặc biệt hơn nữa chính là việc nàng đã vượt qua ba ngàn giai nhân cung cấm để chiếm trọn trái tim Đường Huyền Tông. Tuy nhiên, không chỉ nổi tiếng với sắc nước hương trời, trong cuộc đời của mình, Dương Quý Phi cũng để lại nhiều tiếng xấu. Từ thân phận của cô con dâu, cô trở thành sủng phi của người cha chồng Đường Huyền Tông, sau đó lại là mối tình vụng trộm đầy tai tiếng với người con nuôi trẻ tuổi An Lộc Sơn. Và cũng có một điều về nàng khiến người đời thắc mắc, đó là tại sao đệ nhất mỹ nhân một thời đó lại không được sắc phong Hoàng hậu?
Trong thi phẩm “Trường Hận Ca” của Bạch Cư Dị miêu tả câu chuyện tình yêu của Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi. Dương Quý Phi được xem là một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc khi xưa. Thuở đó Đường Huyền Tông có vô số mỹ nhân trong hậu cung, nhưng chỉ sủng ái một mình Dương Quý Phi. Đường Huyền Tông sủng ái Dương Ngọc Hoàn như vậy, nhưng tại sao cho dù là ở trong tình huống để trống ngôi hoàng hậu, cũng không lập Dương Ngọc Hoàn “một mình hưởng ba ngàn sủng ái” làm hoàng hậu?
Vi phạm luân lý cương thường và sức cản của dự luận quá lớn
Dương Ngọc Hoàn vốn dĩ là con dâu của Đường Huyền Tông, cũng tức là vương phi của Thọ Vương Lý Mạo. Năm 737 sủng phi Võ Huệ Phi của Đường Huyền Tông qua đời, Lý Long Cơ vô cùng đau lòng, buồn bã không vui kéo dài một thời gian dẫn đến ý chí đi xuống. Khi đó hậu cung có mấy ngàn mỹ nhân nhưng không có ai khiến Lý Long Cơ vừa ý. “Thiên sinh lệ chất nan tự khí, nhất triều tuyển tại quân vương trắc” (trời sinh xinh đẹp khó tự bỏ, một hôm tuyển vào bên cạnh vua), trong một cơ duyên trùng hợp, Đường Huyền Tông nhìn thấy Thọ vương phi (Dương Ngọc Hoàn), ngay lập tức Hoàng đế bị chinh phục trước sắc đẹp như tiên này. Có một kẻ hoạn quan xu nịnh rất biết cách lấy lòng vua, nhìn thấy thế liền nói: “Sắc đẹp tuyệt trần, có thể tuyển vào hậu cung”.
Nhưng mà, trong xã hội Trung Quốc thời xưa, Dương thị lần lượt được gả cho hai cha con, bị người đời cho là loạn luân, Đường Huyền Tông cũng không thể ngang nhiên cướp đoạt như vậy. Vì thế, ông liền nghĩ ra một cách: Ông lấy việc tận hiếu làm cái cớ, kêu Dương Ngọc Hoàn vào cung cầu phúc cho Đậu thái hậu, nhốt Dương Ngọc Hoàn vào trong đạo quán, và ban đạo hiệu là “Thái Chân”, không ngờ là vào đạo quán suốt bốn năm, vẫn không chịu cho Dương Ngọc Hoàn hoàn tục.
Thế là, sau bốn năm phu thê cách mặt, Thọ Vương Lý Mạo lại cưới con gái của Vệ Chiêu Huấn là Vệ thị làm Thọ vương phi. Cứ như vậy mà Lý Mạo và Dương Ngọc Hoàn cắt đứt quan hệ vợ chồng. Một năm sau, Đường Huyền Tông hạ chiếu chỉ cho Dương Ngọc Hoàn hoàn tục, và đón cô vào hoàng cung, phong làm Dương Quý Phi. Tuy rằng Đại Đường rất văn minh, nhưng một cô gái lấy hai cha con làm chồng, cho dù là ở thời nào thì vẫn là một tiếng xấu, lịch sử các triều đại lại càng không thể chấp nhận trường hợp đường đường là một vị Hoàng đế lại cưới một người đã từng là “con dâu” của mình. Với bối cảnh thân phận không trong sạch và danh tiếng không tốt như vậy, Đường Huyền Tông muốn lập Dương Quý Phi làm hoàng hậu thì đối diện với sức cản của dư luận là quá lớn.
Sở thích và hứng thú giống nhau nhưng không quan tâm ngôi vị hoàng hậu
Dương Ngọc Hoàn có dung mạo hoa hờn nguyệt thẹn, nghiêng nước nghiêng thành, sắc đẹp kiều diễm, giỏi ca múa, giỏi âm luật. Tài hoa âm nhạc của Dương Ngọc Hoàn vô cùng hiếm thấy trong các đời hậu phi. Còn Huyền Tông hoàng đế lại là một người vô cùng yêu thích văn nghệ, ông thậm chí còn ra lệnh cho một trăm cung nữ thành lập đội nhạc hoàng gia tại Nghi Xuân Bắc Viện – Lê Viên. Từ đây có thể thấy sự kết hợp giữa Đường Huyền Tông và Dương Ngọc Hoàn phần lớn là sở thích và hứng thú giống nhau, chứ không có suy nghĩ muốn Dương Ngọc Hoàn làm “mẫu nghi thiên hạ”.
Tuy được sủng ái nhưng Dương Ngọc Hoàn chưa từng sinh con
Tuy rằng Dương Ngọc Hoàn được Đường Huyền Tông vô cùng sủng ái, nhưng lại không có con, thời xưa huyết mạch hoàng tộc là chuyện đại sự liên quan đến quốc gia hưng suy, văn võ bá quan trong triều đều tham gia thảo luận. Thông thường mà nói, con trai của Hoàng hậu là phải làm Thái tử, sau này kế thừa hoàng vị. Nếu như Dương Ngọc Hoàn có con trai, tất nhiên có thể lập bà làm Hoàng hậu, lập con trai của bà là Thái tử. Mà trên thực tế, Lý Mạo mới cưới Vệ thị thì một năm sau, Dương Thái Chân được vua sắc phong làm quý phi, trở thành người có địa vị cao nhất trong số phi tần của Đường Huyền Tông. Lúc đó Dương thị mới 27 tuổi, còn Đường Huyền Tông đã 61 tuổi rồi, trớ trêu thay Dương thị, vốn trước đây là vợ cũ của Thọ Vương Lý Mạo thì bây giờ lại trở thành thứ mẫu (mẹ kế) của Lý Mạo. Trong cung, Đường Huyền Tông gọi Dương thị là “nương tử”, trên thực tế lễ nghi mà Dương quý phi nhận được cũng bằng với hoàng hậu.
Tuy nhiên, kết cục của Dương Quý Phi ra sao thì cho tới nay vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều người nói rằng, Dương Quý Phi đã treo cổ tự tử bằng một dải lụa trắng treo trên cành cây lê bên ngoài của dịch trạm Mã Ngôi. Người ta đã vội vàng đem chôn cất Dương Quý Phi ngay bên lề đường để tiếp tục cuộc rút chạy. Giả thiết thứ hai cho rằng, Dương Quý Phi không bị Huyền Tông ép chết, mà bị chết trong đám loạn quân. Giả thiết thứ 3 thì lại khẳng định, Dương Ngọc Hoàn không chết nhưng sau đó phải sống lưu lạc trong dân gian. Một giả thiết đậm chất truyền kỳ hơn, nói rằng, Dương Quý Phi không chết ở Mã Ngôi mà được một nô tỳ thế mạng rồi chạy sang Nhật Bản, thọ 68 tuổi mới qua đời!