TIN TỨC » Kiến thức

Gia tộc duy nhất giàu 17 đời tại Trung Quốc, có hàng ngàn căn nhà tại Thượng Hải, tất cả là nhờ gia huấn đặc biệt này

Thứ hai, 22/03/2021 19:23

Đây là gia tộc hiếm hoi của Trung Quốc duy trì được độ giàu có, phá vỡ quy luật "chẳng ai giàu ba họ" mà người đời thường hay nói. Tất cả đều chỉ nhờ vào gia huấn truyền thừa suốt nhiều đời mà ai ai cũng phải học hỏi.

Mạnh Tử từng nói: “Đạo đức truyền gia, thập đại dĩ thượng, canh độc truyền gia thứ chi, thi thư truyền gia hựu thứ chi, phú quý truyền gia, bất quá tam đại” (Tạm dịch: Dùng đạo đức làm gia phong để truyền thụ cho đời sau sẽ được lâu dài nhất. Dùng việc học hành lao động làm gia phong thì vẫn kém hơn so với dùng đạo đức. Dùng việc học hành làm gia phong cũng không bằng học hành lao động, còn dùng phú quý để truyền thừa cho đời sau thì phú quý không quá 3 đời). Cũng chính là câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” như người ta hay nói. Tuy rằng quan điểm này đã được đưa ra từ hơn 2000 năm trước, nhưng vẫn luôn phù hợp với xã hội ngày nay.

Theo những tài liệu trên diễn đàn bảo toàn và kế thừa tài sản của các gia tộc cho thấy, tuổi thọ trung bình của các doanh nghiệp gia tộc chỉ có 24 năm, chỉ có 30% các doanh nghiệp gia tộc là có thể đi tới đời thứ 2, chưa tới 10% doanh nghiệp gia tộc có thể tiếp tục tới đời thứ 3, còn duy trì được tới đời thứ 4 chỉ có 4%. Từ đó có thể thấy, “không ai giàu ba đời” không phải là là không có căn cứ.

Tuy nhiên, gia tộc mà hôm nay tôi muốn giới thiệu tới mọi người lại khác với những gia tộc khác, họ không những phá bỏ được lời nguyền “không giàu quá ba đời”, thậm chí còn giàu có tới tận 17 đời. Năm đó họ đã mua gần 1000 căn nhà, họ là ai? Họ đã làm giàu bằng thứ gì? Và làm thế nào mà có thể duy trì được lâu tới vậy?

Quay ngược thời gian trở về giai đoạn cuối thời Minh, xã hội loạn lạc, rối ren, các cuộc chiến loạn liên tục nổi lên, vô số bách tính nhà tan cửa nát, trong đó bao gồm cả nhân vật chính trong câu chuyện ngày hôm nay là Bối Lan Đường. Vốn dĩ cả gia đình họ sống ở Kim Hoa, Chiết Giang, để tránh chiến loạn, họ đã di cư tới Tô Châu. Do tổ tiên nhà họ Bối đã để lại một số bài thuốc bí truyền, thế nên Bối Lan Đường đã mở một hiệu thuốc ở Tô Châu. Do thuốc có tác dụng tốt, giá cả hợp lý, kinh doanh của nhà họ Bối ngày càng phát triển. Thậm chí Bối Gia còn trở thành 1 trong 4 nhà giàu có ở Giang Tô, cuộc sống của Bối Gia cũng ngày càng tốt đẹp hơn.

Bối Lan Đường tay trắng lập nghiệp nên ông hiểu rất rõ, cuộc sống hạnh phúc của ngày nay đến không dễ dàng, thế nên ông quản giáo con cháu rất nghiêm. Tuy ông không yêu cầu tất cả con cháu trong nhà đều phải theo mình học y, nhưng yêu cầu họ bắt buộc phải học hành, làm một người có văn hóa, có kiến thức. Dưới sự dẫn dắt của Bối Lan Đường, Bối Gia đã đã duy trì được một nề nếp gia phong tốt đẹp, không ai qua lại với những tên con nhà giàu hư hỏng khác, tất cả đều tự có chính kiến của riêng mình.

Sau này, con cháu của Bối Gia có người tiếp tục hành nghề y, có người thì lựa chọn vào triều làm quan, có người thì lại trở thành nhà thư pháp, tất cả đều đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực của mình, gia tộc họ Bối ngày càng phát triển rực rỡ. Và điều đáng quý hiếm có nhất đó chính là tất cả bọn họ đều không quên tâm nguyện ban đầu, ví dụ như người thừa kế đời thứ 7 Bối Mộ Đình. Ông đã kế thừa hiệu thuốc của Bối Gia, đồng thời còn mở rộng phát triển nó thành chuỗi hiệu thuốc lớn nhất ở Chiết Giang. Sau khi thành công rực rỡ như vậy, Bối Mộ Đình thường xuyên tặng thuốc miễn phí cho các người dân lao động nghèo, nhận được nhiều thiện cảm và đánh giá tốt từ mọi người.

Còn người thừa kế đời thứ 13 Bối Nhuận Sinh và Bối Lý Thái, họ đã đưa Bối Gia lên một tầm cao mới mà trước giờ chưa bao giờ có. Bối Nhuận Sin lựa chọn kinh doanh, bắt đầu từ một học viên nhỏ bé trong ngành vật liệu màu, từng bước từng bước đã trở thành một “đại sư ngành màu” nổi danh khắp nơi. Ngoài năng lực kinh doanh siêu việt, Bối Nhuận Sinh còn rất có tầm nhìn xa, ông nhận ra tiềm năng của ngành bất động sản, thế nên tiền ông kiếm được đều mang đi mua nhà, cứ như thế, chẳng bao lâu ông đã mua tận gần cả nghìn căn nhà tại Thượng Hải.

Em trai ông là Bối Lý Thái thì lựa chọn vào triều đình làm quan, tuổi còn trẻ mà đã thi đỗ tú tài. Sau đó thì kế hoạch lại không theo kịp được sự thay đổi, cha ông đột ngột ốm bệnh qua đời, ông phải tiếp quản sản nghiệp của cha để lại, thế là đành phải từ bỏ con đường làm quan, bắt đầu kinh doanh. Nhưng chẳng ngờ rằng đứa trẻ này lại có tài kinh doanh thiên bẩm, cùng với Trần Quang Phủ và Trang Đắc Chi sáng lập nên Ngân hàng Thượng Hải. Từ đó, con cháu đời sau của Bối Lý Thái đều làm trong ngành tài chính ngân hàng, được mệnh danh là “Gia tộc tài chính”.

Ngày 02/04/1917, một bé trai chào đời trong Bối Gia, đó chính là người thừa kế đời thứ 15 của nhà họ Bối - Bối Duật Minh. Chịu ảnh hưởng từ môi trường trong gia đình, Bối Duật Minh từ nhỏ đã được tiếp nhận một nền giáo dục ưu việt, đồng thời còn tìm ra được hướng phát triển trong tương lai của mình từ khi còn rất sớm. Năm 18 tuổi, Bối Duật Minh một mình tới Mỹ, học kiến trúc ở trường đại học Pennsylvania, sau đó lại chuyển tới Học viện Công nghệ Massachusetts và Đại học Harvard đẳng cấp thế giới để học Kiến trúc. Vừa tốt nghiệp đã lập tức nhận được giải thưởng của Hiệp hội kiến trúc sư của Mỹ.

Tác phẩm tốt nghiệp của Bối Duật Minh chính là bản thiết kế Viện bảo tàng Thượng Hải, thành danh chỉ sau 1 tác phẩm. Thế nên những năm tháng sau đó, ông đã thiết kế ra những tác phẩm kiến trúc đẳng cấp thế giới như Kim tự tháp kính Louvre, Thư viện John F. Kennedy, Viện bảo tang Tô Châu, Bảo tàng nghệ thuật Miho ở Nhật Bản,… Gần như đều đạt được tất cả các giải thưởng trong giới kiến trúc, gây chấn động toàn cầu.

Dưới sự ảnh hưởng của Bối Duật Minh, con trai ông là Bối Kiến Trung cũng thi đỗ vào Đại học Harvard với thành tích xuất sắc, đồng thời cũng đầu quân vào ngành kiến trúc, tạo được nhiều thành tựu trong ngành, tiếp tục làm rạng danh gia tộc. Vậy rốt cuộc Bối Gia đã dựa vào điều gì để có thể duy trì và tiếp nối được sản nghiệp khổng lồ ấy? Đáp án chính là gia huấn nhà họ Bối.

Truyền cho con cháu tài sản không bằng truyền cho con cháu đạo đức, để lại cho con cháu tài sản riêng không bằng để lại cho con cháu tài sản chung. Chỉ vài chữ ngắn ngủi đã nói hết được mọi đạo lý trên đời. Trên thế giới này, mãi mãi không bao giờ thiếu người giàu, nhưng làm thế nào để giúp người đời sau giữ được số tiền ấy thì lại không hề dễ dàng.

Ví dụ như Doanh nhân nổi tiếng Thịnh Tuyên Hoài, ông để lại cho con cháu khối tài sản khổng lồ lên tới hàng trăm triệu Nhân dân tệ, đủ để cho họ sống mấy chục đời. Nhưng khi ông vừa qua đời thì người đời sau lại ăn chơi cờ bạc, bị đứa con trai phá gia chi tử đánh bạc thua hết sạch tiền, cuối cùng lại chết cóng ở đầu phố. Thế nên, để lại tài sản cho con cháu mãi mãi không thể nào bằng truyền lại đạo đức cho con cháu. Đức hạnh mới chính là gói bảo hiểm căn bản nhất để tiếp tục duy trì gia tộc.

Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới