1 triệu đồng có được gửi tiết kiệm?
Trước đây, các chương trình gửi tiết kiệm của ngân hàng thường yêu cầu số tiền tối thiểu khá lớn nên việc gửi tiết kiệm với người có thu nhập thấp hay sinh viên thực sự khó khăn.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với 1 triệu đồng, khách hàng có thể gửi tiết kiệm ở hầu hết các ngân hàng. Nếu thu nhập không cao, khách hàng có thể trích một phần nhỏ gửi vào ngân hàng, tạo quỹ dự phòng cho tương lai và đề phòng những trường hợp bất ngờ cần dùng đến.
Hay đơn giản là muốn hình thành thói quen quản lý chi tiêu bằng cách thiết lập tài khoản tiết kiệm ngân hàng thì việc gửi tiết kiệm 1 triệu đồng cũng là lựa chọn hợp lý.
Với 1 triệu đồng, nên gửi tiết kiệm hình thức nào?
Khách hàng có thể gửi tiết kiệm 1 triệu đồng tại nhiều ngân hàng. (Ảnh minh họa)
Với số tiền 1 triệu đồng, khách hàng có thể gửi tiết kiệm online hoặc gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại quầy.
Gửi tiết kiệm có kỳ hạn là hình thức tiết kiệm trong một khoảng thời gian nhất định. Tùy vào nhu cầu của mình, khách hàng có thể chọn kỳ hạn theo tháng hoặc theo năm. Kỳ hạn càng dài thì mức lãi suất càng cao.
Gửi tiết kiệm online là hình thức mở sổ tiết kiệm và thực hiện mọi thao tác như kiểm tra thông tin lãi suất, gửi tiền, tất toán, tái tục... trên thiết bị điện tử có kết nối Internet.
Gửi tiết kiệm 1 triệu lãi bao nhiêu?
Gửi tiết kiệm tại quầy hay tiết kiệm online thì tiền lãi sẽ phụ thuộc vào kỳ hạn gửi tiết kiệm.
Lãi suất tiết kiệm ngân hàng thường được hiểu là lãi suất %/năm. Công thức tính như sau:
Số tiền lãi = số tiền gửi x lãi suất (%/năm) x số ngày thực gửi/365
Chẳng hạn, khách hàng gửi 1 triệu với kỳ hạn 1 tháng (30 ngày) tại Techcombank, lãi suất 2,8%/năm, thì tiền lãi nhận được sẽ là:
1.000.000 X 2,8% X 30/365 = 2.301 đồng
Nếu khách hàng gửi 1 triệu tại Techcombank, kỳ hạn 6 tháng (181 ngày) với lãi suất 4%/năm thì tiền lãi nhận được là:
1.000.000 X 4,0% X 181/365 = 19.835 đồng
Tương tự, số tiền lãi nhận được sẽ cao hơn nếu mức lãi suất cao hơn và kỳ hạn gửi dài hơn.