TIN TỨC » Kiến thức

Hôn nhau có 'lây' nồng độ cồn không? Chuyện tưởng đùa nhưng hoàn toàn là sự thật!

Thứ năm, 22/02/2024 10:26

Không chỉ uống rượu bia mới khiến hơi thở của chúng ta có nồng độ cồn, còn có nhiều nguyên nhân khác nữa, thậm chí 2 người hôn nhau cũng có thể 'lây' nồng độ cồn.

Hôn nhau có "lây" nồng độ cồn?

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), lượng cồn trong cơ thể được đào thải qua nước tiểu là chủ yếu. Một phần còn lại đào thải qua mồ hôi và khí thở. Khi một người uống rượu, trong hơi thở và nước bọt của họ sẽ có cồn, đặc biệt là dịch trào ngược từ dạ dày lên miệng có nồng độ cồn tương đối cao.

“Khi hôn một người say rượu trong thời gian tương đối lâu, bạn có thể bị "lây" nồng độ cồn. Lúc này, khoang miệng của bạn cũng nhiễm một lượng cồn từ nước bọt hoặc dịch từ dạ dày trào ngược của người say. Tuy nhiên, lượng cồn đi vào khoang miệng và đường hô hấp của người hôn có nồng độ thấp, sau đó nhanh chóng bị chuyển hóa tại gan, nên không thể gây say. Do đó, khi hôn một người vừa uống rượu vẫn có thể sẽ bị "lây" nồng độ cồn, song rất hy hữu”, bác sĩ Phúc phân tích.

Khi hôn một người vừa uống rượu vẫn có thể sẽ bị "lây" nồng độ cồn, song rất hy hữu

Tại Trung Quốc đã xảy ra trường hợp một người phụ nữ có nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá giới hạn pháp lý khi lái xe, ngày 6/6/2020. Tuy nhiên, người phụ nữ khẳng định không uống rượu. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu bằng không. Chị giải thích rằng trước đó đã lái xe đến đón bạn trai say rượu và đã hôn nhau trước khi lên xe, nụ hôn có thể kéo dài rất lâu.

Từ kết quả xét nghiệm máu và lời giải thích của người phụ nữ, cảnh sát giao thông cho rằng hai người có thể đã hôn nhau trong thời gian dài khiến nồng độ cồn trong miệng người phụ nữ vượt tiêu chuẩn. Đến nay, thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự.

Tại Việt Nam, theo luật, người điều khiển ôtô, xe máy, mô tô không được phép có cồn trong máu khi đang lưu thông. Do đó, khi hôn một người uống rượu say, có thể thổi cồn vẫn lên. Trường hợp này, có thể yêu cầu xét nghiệm máu để có kết quả chính xác hơn.

Đo có nồng độ cồn do hôn người vừa uống rượu, phải làm gì?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo quy trình, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra nồng độ cồn qua 2 bước là đo định tính (xác nhận có cồn hay không) và đo định lượng để xác định chính xác mức nồng độ cồn trong hơi thở.

Trường hợp kiểm tra định tính xác định có nồng độ cồn, nếu lái xe có sử dụng một số đồ ăn lên men trước đó thì họ có quyền đề nghị cảnh sát giao thông cho nghỉ ngơi 5 - 10 phút, đồng thời uống nước cho sạch khoang miệng trước khi đo định lượng.

Nếu trước đó tài xế đã đo định lượng cũng được phép đề nghị lực lượng chức năng cho thổi lại để đảm bảo tính khách quan.

Khi xử lý vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông còn căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý vi phạm.

Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra nồng độ cồn qua 2 bước

Ngoài ra, cũng có thể máy đo nồng độ cồn chưa chính xác, bạn có thể yêu cầu được đo lại bằng một máy khác cho kết quả đúng hơn.

Nếu trường hợp chưa rõ ràng qua hơi thở có nồng độ cồn thì có thể yêu cầu cảnh sát giao thông đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất sẽ có kết quả chính xác. Việc sử dụng thuốc hay đồ uống, thức ăn sẽ không đủ để lên nồng độ cồn khi kiểm tra máu.

Cho nên trong trường hợp không uống rượu bia mà thổi vẫn lên nồng độ cồn nên đề nghị cảnh sát giao thông cho nghỉ ngơi 5 phút để có thể đo chính xác.

"Hiện nay việc xét nghiệm máu để xác định nồng độ cồn cũng chưa được quy định rõ là cảnh sát giao thông hay công dân phải thanh toán khoản phí này. Tuy nhiên, đây là yêu cầu của cơ quan công an nên thiết nghĩ phải được thanh toán bởi cơ quan công an", luật sư Trạch bày tỏ.

Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới