Nếu nói tới huyện đầu tiên của nước ta thì là một huyện ở cực Bắc, còn huyện cuối cùng đương nhiên là ở cực Nam của đất nước. Và huyện cuối cùng trên bản đồ Việt Nam chính là huyện Ngọc Hiển thuộc tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, ở huyện Ngọc Hiển có Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía Nam, có ý nghĩa giống như Mục Nam Quan ở biên giới phía Bắc.
Huyện Ngọc Hiển - huyện cuối cùng trên bản đồ Việt Nam
Huyện Ngọc Hiển được tái lập năm 2004, có diện tích tự nhiên 735,18 km², chiếm 13,88% diện tích của tỉnh Cà Mau. Dân số của huyện là 66.874 người, chiếm 5,89% dân số của tỉnh Cà Mau (theo số liệu năm 2019). Huyện Ngọc Hiển về cơ bản là một bán đảo, phía Bắc tiếp giáp với huyện Năm Căn, 3 mặt còn lại giáp biển, với chiều dài bờ biển 98 km. Huyện có 7 đơn vị hành chính, gồm: Thị trấn Rạch Gốc và các xã: Tam Giang Tây, Tân Ân Tây, Viên An Đông, Viên An, Tân Ân, Đất Mũi.
Huyện Ngọc Hiển được đặt tên theo người anh hùng thời chống Pháp, và cũng là người thầy giáo đáng kính là thầy Phan Ngọc Hiển (1910 - 1941). Huyện rất thuận lợi cho phát triển giao thông đường thuỷ, du lịch sinh thái, trồng rừng ngập mặn, phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.
Di tích Mũi Cà Mau - nơi cuối cùng của cực Nam tổ quốc
Huyện Ngọc Hiển có nhiều khu di tích và địa điểm tham quan nổi tiếng như: Khu di tích văn hoá Đảo Hòn Khoai, bãi biển Khai Long, sân chim Ngọc Hiển, cồn Ông Trang,... Đặc biệt là điểm tham quan Mũi Cà Mau nổi tiếng cả nước. Mũi Cà Mau nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau khoảng 110km, thuộc xã Đất Mũi. Từ lâu đã là địa điểm hấp dẫn, thu hút khách tham quan khi đặt chân đến huyện Ngọc Hiển nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Tại đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, đặc biệt là được tận tay chạm vào cột mốc tọa độ quốc gia, tận mắt trông thấy biểu tượng Mũi Cà Mau - nơi cuối cùng cực Nam của Tổ quốc.