Theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, những tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của vợ hoặc chồng:
- Tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn;
- Tài sản được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
Bố mẹ cho đất con gái, con rể được đứng tên chung hay không? (Ảnh minh họa)
- Tài sản được chia riêng cho mỗi người khi hai vợ chồng có thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trừ khi thỏa thuận này ảnh hưởng nghiêm trọng đến:
Lợi ích của gia đình, con chưa thành niên, đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
Nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng, bồi thường thiệt hại, thanh toán khi bị Tòa tuyên bố phá sản, trả nợ, nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác cho Nhà nước, nghĩa vụ về tài sản khác.
- Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
- Tài sản hình thành từ tài sản riêng của vợ chồng…
Từ quy định nêu trên, nếu một người được bố mẹ mình tặng cho nhà, đất riêng thì đó là tài sản riêng của mình người đó trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận sẽ nhập tài sản chung vào tài sản riêng.
Khi một trong hai người được tặng cho quyền sử dụng đất riêng thì đó là tài sản riêng của người đó. Lúc này, người được tặng cho riêng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt phần tài sản này.
Ngoài ra, theo Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình, người này còn có quyền quyết định có nhập hay không nhập phần tài sản riêng này vào tài sản chung của vợ chồng.
Do đó, khi được tặng cho riêng, nếu người được tặng cho quyết định nhập tài sản này vào tài sản chung vợ chồng thì người còn lại sẽ được đứng tên trong sổ đỏ. Lúc này, tài sản riêng sẽ trở thành tài sản chung vợ chồng.
Như vậy, nếu cha mẹ tặng riêng đất cho con gái sau khi lấy chồng, con rể chỉ được đứng tên và có quyền với mảnh đất đó nếu người vợ đồng ý nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Đồng thời, sau khi nhà, đất được tặng cho riêng một người thì hai vợ chồng lập Văn bản thỏa thuận nhập tài sản riêng vào tài sản chung và đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để bổ sung tên người còn lại vào sổ đỏ.
Nói tóm lại, chỉ khi hai vợ chồng có thể thỏa thuận được và người có tài sản riêng đồng ý nhập khối tài sản này vào tài sản chung vợ chồng thì cả hai người mới có quyền và nghĩa vụ chung với khối tài sản đó.
Thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư số 14/2023/TT-BTNMT, hồ sơ để chuyển đổi quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ chồng (thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng) như sau:
- Hồ sơ:
Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Văn bản nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng.
Bản gốc Sổ đỏ hoặc Sổ hồng đã được cấp cho riêng vợ hoặc riêng chồng.
- Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận Một cửa của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.
- Thời gian thực hiện: Từ 10 - 20 ngày làm việc tùy vào từng địa phương.