TIN TỨC » Kiến thức

Khi cha mẹ chồng/vợ mất, con dâu/rể có được thừa kế tài sản không?

Thứ tư, 23/10/2024 10:26

Luật pháp hiện hành quy định con dâu và con rể không thuộc diện thừa kế theo pháp luật. Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ chồng/vợ không để lại di chúc, con dâu/rể sẽ không được hưởng tài sản thừa kế. Quy định này được ghi rõ trong Bộ luật Dân sự 2015.

Trong thực tế, nhiều trường hợp con dâu/rể đã chung sống, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng/vợ và thậm chí góp phần xây dựng tài sản chung. Dù vậy, khi hôn nhân tan vỡ hoặc một trong hai vợ chồng mất sớm, con dâu/rể thường không được hưởng tài sản, đặc biệt là các tài sản có giá trị như đất đai, nhà cửa đứng tên cha mẹ chồng/vợ. Điều này dẫn đến nhiều tranh chấp trong thực tế.

Quy định thừa kế theo pháp luật

Bộ luật Dân sự 2015 quy định hai hình thức thừa kế: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Theo Điều 624 của Bộ luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại tài sản. Nếu cha mẹ chồng/vợ có lập di chúc hợp pháp, họ hoàn toàn có thể chỉ định tài sản cho con dâu/rể. Điều này có nghĩa là, con dâu/rể có thể được thừa kế nếu có di chúc của cha mẹ chồng/vợ.

Khi cha mẹ chồng/vợ mất, con dâu/rể không được thừa kế tài sản nếu không có di chúc (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản sẽ được chia theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thứ tự hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất: gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người để lại di sản.

- Hàng thừa kế thứ hai: gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột của người để lại di sản; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba: gồm cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.

Nếu không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp, tài sản sẽ được chia theo pháp luật (Ảnh minh hoạ)

Điều luật này cũng quy định, những người ở cùng một hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu không có ai ở hàng thừa kế trước (do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền thừa kế, hoặc từ chối nhận di sản), thì những người ở hàng thừa kế sau mới có quyền hưởng thừa kế.

Thế nhưng cũng có trường hợp đặc biệt. Theo Bộ luật Dân sự, Điều 652 quy định về quyền thừa kế thế vị. Nếu con của người để lại di sản qua đời trước hoặc cùng lúc với họ, thì cháu sẽ được thừa kế phần di sản mà cha mẹ cháu đáng lẽ được hưởng. Tương tự, nếu cháu cũng qua đời trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản, chắt sẽ được hưởng phần di sản đó.

Kiến nghị về việc thừa kế cho con dâu, con rể

Con dâu/rể chỉ có thể được hưởng thừa kế nếu được chỉ định trong di chúc của người để lại tài sản (Ảnh minh hoạ)

Trong nhiều năm qua, đã có những kiến nghị về việc bổ sung quy định cho phép con dâu và con rể được thừa kế từ cha mẹ chồng/vợ. Mặc dù những đề xuất này đã được thảo luận, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nào được đưa vào pháp luật hiện hành. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu không có di chúc, con dâu/rể sẽ không có quyền thừa kế tài sản từ cha mẹ chồng/vợ theo quy định pháp luật.

Theo quy định hiện hành, con dâu/rể chỉ có thể được hưởng thừa kế nếu được chỉ định trong di chúc của người để lại tài sản. Nếu không có di chúc, họ sẽ không có quyền thừa kế theo pháp luật.

Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới