Có câu nói: "Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình". Tuy nhiên, ít người biết đến nửa câu sau, đó là: “Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân”. Đây chính là thực tế của quan hệ huyết thống ngày nay. Nhiều người cũng đã chia sẻ rằng đôi khi một số anh chị em của họ còn không thân thiết bằng người ngoài. Vì sao lại như vậy?
Từ xưa đến nay, trong nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở châu Á, gia đình luôn là nền tảng của xã hội. Trong quá khứ, không hiếm thấy hình ảnh một gia đình đa thế hệ sống chung dưới một mái nhà, từ ông bà, cha mẹ đến các con cháu. Những mối quan hệ này không chỉ dựa trên tình cảm mà còn là sợi dây gắn kết về mặt vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên một cộng đồng vững mạnh.
Thế nhưng, nhịp sống hiện đại và các yếu tố xã hội khác đã làm thay đổi cấu trúc truyền thống này. Khi cha mẹ còn sống, họ không chỉ là trung tâm tình cảm mà còn là lực lượng điều tiết mọi mối quan hệ trong nhà. Họ là điểm tựa tinh thần và cũng là nhân tố giữ cho anh chị em luôn gắn bó, vượt qua mọi khó khăn, mâu thuẫn.
Tuy nhiên, mọi việc dần chuyển biến khi cha mẹ không còn. Mối quan hệ giữa các anh chị em thường trở nên phức tạp hơn và có phần nhạt nhòa. Các cuộc họp mặt gia đình dần trở thành nghĩa vụ hơn là niềm vui, và đôi khi chỉ diễn ra vào những dịp đặc biệt như Tết hay các ngày lễ, ngày giỗ. Điều này không chỉ là hệ quả của việc thiếu vắng một "trọng tài" trong gia đình mà còn do sự phân tán về địa lý và mối quan tâm cá nhân khi mỗi người đều có cuộc sống riêng.
Cũng không thể không nhắc đến tác động của vật chất và lợi ích cá nhân lên mối quan hệ anh em. Không ít gia đình đã phải chứng kiến những mâu thuẫn không thể hòa giải khi lợi ích cá nhân và những ràng buộc về tài sản lên ngôi, dần làm mòn đi tình cảm mà từng khiến họ gắn bó.
Nhưng không phải gia đình nào cũng thế. Có những gia đình sau khi cha mẹ không còn thì các con vẫn yêu thương, giúp đỡ cho nhau. Đó là vì cha mẹ còn sống đã chu đáo tạo ra mối quan hệ bền chặt, như một khế ước các con không được quay lưng với nhau. Hơn nữa, cha mẹ đối xử công bằng, thương yêu các con như nhau thì tự nhiên giữa anh chị em cũng không có mâu thuẫn khó tha thứ.
Câu nói: "Khi cha mẹ còn sống, anh em là một gia đình. Khi cha mẹ mất, chúng ta chỉ còn là người thân" chính là một lời nhắc nhở về sự thay đổi không ngừng của mối quan hệ gia đình theo thời gian. Mặc dù có phần bi quan, nhưng nó thôi thúc chúng ta suy ngẫm sâu sắc hơn về giá trị và ý nghĩa của gia đình, từ đó cố gắng xây dựng và duy trì những mối quan hệ tích cực, bền vững, dù cho cha mẹ có còn hay không.