TIN TỨC » Kiến thức

Khi có cháy, gọi lực lượng cứu hỏa đến dập lửa có phải trả tiền không?

Thứ ba, 26/09/2023 10:31

Việc gọi lực lượng phòng cháy chữa cháy đến dập lửa có mất phí hay không là vấn đề được nhiều người thắc mắc?

Khi gọi lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ cứu nạn (CHCN) đến thực hiện công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, nhiều người nghĩ sẽ phải trả phí. Tuy nhiên, thông tin này là không chính xác. Khi có tình huống khẩn cấp xảy ra như hỏa hoạn, sự cố cần cứu nạn... việc gọi lực lượng PCCC và CHCN là hoàn toàn miễn phí theo đúng quy định của pháp luật. Mọi chi phí cho công tác PCCC và CHCN đều do nhà nước chi trả.

Khoản 1 Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: "Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật".

Người dân gọi lực lượng PCCC và CHCN thông qua số 114 để chữa cháy hay cứu hộ đều sẽ không phải trả bất cứ khoản phí nào.

Sau khi tổ chức chữa cháy xong, lực lượng Cảnh sát PCCC cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với nhau tiến hành bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Khi xác định được nguyên nhân là do cố ý hay sơ xuất thì mới có biện pháp xử lý. Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà mức phạt sẽ khác nhau, có thể là phạt hành chính. Nếu vi phạm do cố ý mà gây hậu quả thì có thể sẽ bị xử lý hình sự. Trong các trường hợp này, người vi phạm sẽ phải nộp tiền phạt theo quy định của pháp luật.

Người dân cần lưu ý, khi phát hiện cháy nổ, hãy gọi đến số 114, dù đó là cháy lớn hay nhỏ. Như vậy công tác chữa cháy sẽ được thực hiện kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của. Việc lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt tại hiện trường kịp thời hay chậm trễ phụ thuộc nhiều vào thời điểm mà người dân báo cháy. Việc báo cháy chậm có thể làm lửa lan rộng, đám cháy lớn hơn và khó kiếm soát hơn. Sau khi báo cháy, xe cứu hỏa và lính cứu hỏa phải cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể di chuyển tới hiện trường. Thời gian này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khoảng cách từ trụ sở của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tới nơi xảy ra hỏa hoạn, tình hình giao thông...

Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình có quy định:

Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a). Không báo cháy, sự cố tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy sự cố tai nạn

b). Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả

Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới