TIN TỨC » Kiến thức

Khi mua thịt lợn có dấu kiểm định trên da, có thể ăn mực dấu đó không?

Thứ năm, 19/08/2021 06:39

Là món ngon nổi tiếng, thịt lợn được nhiều người ưa chuộng trên bàn ăn. Hầu như những ai đã mua thịt lợn đều biết rằng thịt lợn sống được đóng các con dấu khác nhau. Mọi người đều biết rằng những con dấu này tượng trưng cho thịt lợn đã kiểm định. Nhưng dấu này có thể ăn được không?

Nói chung, con dấu trên thịt lợn thường là chất màu, bởi vì con dấu được sử dụng trên thực phẩm được làm bằng chất màu ăn được. Dù ăn vào miệng cũng không gây hại cho cơ thể con người, màu sắc và hình dạng con dấu khác nhau đều có ý nghĩa riêng biệt.

Tất cả thịt lợn đáp ứng được tiêu chuẩn sạch của Cơ quan chức năng sẽ được lăn dấu kiểm định này và phần mực dùng đóng dấu rất an toàn, được sử dụng trong thực phẩm, có thể ăn được.

Hầu hết các sản phẩm thịt lợn bày bán ở siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đều có tem tròn, loại thịt lợn này có thể yên tâm sử dụng.

Vì sao phải đóng dấu kiểm dịch thịt gia súc, gia cầm?

Theo quy định tại Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, thịt và các sản phẩm khác của động vật trên cạn sau khi giết mổ, sơ chế phải được kiểm tra và đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem kiểm tra vệ sinh thú y trước khi đưa ra lưu thông tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu; Thịt và các sản phẩm khác của động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y phải xử lý, nếu không đủ điều kiện sẽ không được cung ứng ra thị trường.

Thịt được đóng dấu kiểm dịch có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả cơ sở buôn bán kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với cơ sở kinh doanh, đây là yêu cầu bắt buộc nếu muốn kinh doanh, cung ứng thịt tươi trên thị trường. Việc phân phối các sản phẩm thịt tươi đã qua kiểm nghiệm sẽ giúp nâng cao uy tí của cơ sở, tạo sự tin tưởng với khách hàng. Đối với người tiêu dùng, đây là cơ sở để mua thịt tươi, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, rất nhiều thịt gia súc, gia cầm được bày bán tại các chợ hiện nay chưa được đóng dấu kiểm dịch. Các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên mua thịt đã quan kiểm dịch để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Quy định về dấu kiểm dịch

Dấu kiểm dịch được quy định rõ trong thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT, bạn cần chú ý một số điểm về con dấu này để phân biệt với dấu giả.

– Đối với gia súc, dấu hình chữ nhật, dài 80mm, rộng 50mm, các đường thẳng có bề rộng 1mm. Dấu được chia thành 3 phần theo chiều dài: Phần trên và phần dưới rộng 13mm, phần giữa rộng 20mm (không kể đường kẻ). Dọc theo chiều dài ở phía trên của dấu khắc tên cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh “CHI CỤC ……..” Ở giữa dấu, khắc chữ “K. S. G. M” (viết tắt của cụm từ kiểm soát giết mổ). Dọc theo chiều dài phần d­ưới của dấu khắc mã số của cơ sở giết mổ.

– Đối với gia cầm: Dấu hình chữ nhật dài 40mm, rộng 27mm, các đường thẳng có bề rộng 0,5mm. Dấu được chia thành 3 phần theo chiều dài: Phần trên và phần dưới rộng 7,5mm, phần giữa rộng 10mm (không kể đường kẻ). Dọc theo chiều dài phần trên của dấu khắc tên cơ quan quản lý chuyên ngành Thú y cấp tỉnh “CHI CỤC ……….” Ở giữa dấu, khắc chữ “K. S. G. M” (viết tắt của cụm từ kiểm soát giết mổ). Dọc theo chiều dài phần dưới của dấu khắc mã số của cơ sở giết mổ.

Vị trí đóng dấu kiểm dịch của thịt gia súc gia cầm

– Đối với thịt gia súc: Thân thịt, thịt mảnh, thịt miếng để tiêu thụ trên thị trường được đóng 01 dấu kiểm soát giết mổ ở vùng vai, 01 dấu ở vùng bụng và 01 dấu ở vùng mông của hai bên thân thịt, hoặc đóng 01 dấu kiểm soát giết mổ tại vị trí bảo đảm được sự nhận dạng là đã kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm thịt mảnh, thịt miếng.

– Đối với thân thịt gia cầm để tiêu thụ nội địa: Đóng 02 dấu kiểm soát giết mổ tại hai bên lườn của thân thịt; trường hợp bao gói nguyên con, đóng 01 dấu tại lườn của thân thịt.

Mực in kiểm dịch trên thịt gia súc gia cầm là loại mực gì, có độc hại không?

Dấu kiểm soát giết mổ được quy định tại Điều 31 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Theo đó, màu mực phải đậm, khi đóng không nhòe; mực dấu đóng trên thân thịt bảo đảm không làm biến đổi chất lượng của thịt, sản phẩm động vật và không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng; Thành phần, phương pháp pha chế mực của dấu đóng trên thân thịt được Cục Thú y hướng dẫn cụ thể.

Được biết, mục đóng dấu là loại hóa chất gồm chất tạo màu, chất cố định màu và chất bảo quản. Hàm lượng hóa chất rất ít, không gây hại cho con người nên bạn có thể yên tâm sử dụng phần thịt đã được đóng dấu. Tất nhiên bạn cũng nên rửa sạch vết mực đóng dấu trước khi nấu ăn.

Autran (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)