TIN TỨC » Kiến thức

Tử Cấm Thành rộng lớn xa hoa, vì sao không có nổi một nhà vệ sinh? Đọc xong mới thấy người xưa thông minh thế nào!

Thứ năm, 09/05/2024 11:02

Tử Cấm Thành là phức hợp cung điện rộng lớn nhất thế giới nhưng lại không có nhà vệ sinh nào.

Được thiết kế và xây dựng từ năm 1406 tới năm 1424 bởi 2 thợ mộc nổi tiếng nhất thời nhà Minh, Tử Cấm Thành nằm ở vị trí trung tâm của Bắc Kinh, là quần thể kiến trúc cung điện quy mô lớn nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trên thế giới cho tới ngày nay.

Với diện tích 720.000 mét vuông, Tử Cấm Thành có 9.999 gian phòng. Bởi vua chúa Trung Hoa xưa quan niệm rằng Ngọc hoàng Thượng đế là người có quyền lực tối cao, cai quản cả thiên đình. Vậy nên chỉ có Ngọc hoàng mới được sử dụng 10.000 gian phòng. Hoàng đế Trung Quốc được ví là "Thiên tử" tức "con trời", địa vị thấp hơn Ngọc hoàng nên không thể sử dụng 10.000 gian phòng.

Tuy nhiên, có một sự thật không phải ai cũng ngờ tới rằng trong cả gần chục ngàn căn phòng nói trên ở Tử Cấm Thành, nơi có những cung điện xa hoa nhất lại không có lấy một nhà vệ sinh. Vì sao lại như vậy?

Bảo vệ uy nghiêm hoàng gia

Về việc các Hoàng đế ngày xưa nghĩ gì thì chúng ta không biết, nhưng theo như suy đoán của người đời sau thì lý do được mọi người chấp nhận là Hoàng đế không cho phép những thứ ô uế như vậy tồn tại trong Tử Cấm Thành.

Sự coi trọng uy quyền hoàng gia này có nguồn gốc từ việc thần thánh hóa vị trí của nhà vua trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Trong quan niệm giai cấp của xã hội phong kiến, hoàng đế được coi là "Thiên tử", "Hoàng thượng", là người cai trị tối cao.

Tử Cấm Thành rộng lớn nhưng không có lấy một nhà vệ sinh

Họ không chỉ nắm giữ quyền lực tuyệt đối về chính trị, kinh tế, quân sự mà còn được xem là sự hiện thân thần thánh của ý chí Trời. Do đó, bất kỳ sự báng bổ nào đối với Hoàng đế cũng được coi là vi phạm ý Trời, và cần được trừng phạt nghiêm khắc.

Phòng ngừa an ninh và bảo vệ môi trường

Hoàng đế xưa cũng lo ngại rằng các địa điểm vệ sinh có thể trở thành nơi ẩn náu của sát thủ, đe dọa an toàn hoàng gia. Đồng thời, sự hiện diện quá nhiều của các địa điểm công cộng cũng có thể làm tăng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường trong cung. Vì vậy, trong quan điểm của Hoàng Đế xưa, Tử Cấm Thành không chỉ là một cung điện mà còn là biểu tượng của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Vậy thì Hoàng đế, Hoàng hâu, phi tần và các thái giám, cung nữ trong cung điện giải quyết vấn đề đi vệ sinh này như thế nào?

Hàng chục ngàn người sống trong cung điện rộng lớn này từ những người có quyền lực cao nhất như nhà vua, Thái hậu cho đến các phi tần, cung nữ hay thái giám đều sử dụng các "vật dụng vệ sinh di động" như chậu hay thùng gọi là "Quan phòng" hay "Cung phòng".

"Quan phòng" được làm bằng gỗ đàn hương, bên trong chứa tro của loại gỗ này. Khi chất thải rơi xuống, tro gỗ sẽ bám dính vào bề mặt và ngăn mùi hôi phát tán. Tuy nhiên, tro gỗ đàn hương không thể cản hết mùi nên thái giám sẽ cho vào đó một ít cánh hoa và hương liệu.

Quan phòng có hương liệu khử mùi chỉ dành riêng cho nhà vua

Một điều đặc biệt khác là riêng "Quan phòng" của Hoàng đế thì không được phép đặt trên mặt đất, vì như vậy nhà vua sẽ phải cúi người khi muốn sử dụng. Do đó, thái giám phải dùng sức lực nâng quan phòng lên cao, để khi Hoàng đế ngồi lên đó vẫn sẽ là người có vị trí cao nhất.

Hoàng hậu và các phi tần mặc dù có địa vị cao trong cung, nhưng vẫn không thể so sánh với Hoàng đế. Họ thường sử dụng những phòng vệ sinh được thiết kế riêng biệt nhưng không quá xa hoa. Sự chăm sóc và bảo mật cũng được đảm bảo, nhưng không bằng Hoàng đế.

Những cung nữ và thái giám hay những người có thân phận thấp bé nhất hoàng cung chỉ được sử dụng "Cung phòng", bên trong cung phòng là các "Cung đồng". Cung đồng là những chiếc thùng được làm bằng gỗ bình thường và phân sẽ được giữ trong những chiếc thùng đó. Chúng cũng không được thêm hương liệu nên không thể ngăn được mùi hôi thối.

Lịch dọn dẹp trong hoàng cung được ấn định vào các ngày 4, 14 và 24 hàng tháng. Tất cả chất thải trong cung sẽ được một bộ phận chuyên trách chở ra bên ngoài cung điện. Những chiếc thùng chứa sau đó được vệ sinh, cọ rửa sạch sẽ để đảm bảo không phát ra mùi hôi, ảnh hưởng đến không gian trong cung.

Thời gian sau, bất chấp việc nhiều yếu tố văn hóa phương Tây bắt đầu du nhập vào Trung Quốc, nhưng Tử Cấm Thành vẫn không xây dựng hay lắp đặt thêm bất cứ một nhà vệ sinh nào khác.

Cho tới năm 1925, Tử Cấm Thành chính thức mở cửa đón khách du lịch và bắt đầu được xây mới cũng như lắp đặt 14 khu nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ.

Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới