TIN TỨC » Kiến thức

Không phải Elon Musk, đây mới là người giàu có nhất mọi thời đại: Nắm giữ một nửa số vàng của thế giới, tài sản vượt 400 tỷ USD

Thứ bảy, 30/11/2024 22:10

Mansa Musa, ông hoàng của đế quốc Mali ở châu Phi nắm giữ khoảng một nửa số vàng của thế giới và được xem là người giàu có nhất lịch sử với khối tài sản trị giá tới hơn 400 tỷ USD.

Hoàng đế của đế quốc Mali ở châu Phi là Mansa Musa (1280-1337). Nhà vua giàu có nhất lịch sử này lên ngôi báu vào năm 1312 sau khi vị vua tiền nhiệm Abu-Bakr II mất tích trong một chuyến ra khơi.

Theo ước tính, tài sản của Mansa Musa khi điều chỉnh theo lạm phát hiện nay lên đến hơn 400 tỷ USD, vượt xa Elon Musk (318 tỷ USD), Jeff Bezos (220,3 tỷ USD), cũng như các tỷ phú nổi tiếng của Ấn Độ như Mukesh Ambani (97,9 tỷ USD).

Là một hoàng đế, Mansa Musa có khả năng tiếp cận gần như vô hạn tới những nguồn của cải giá trị cao nhất thế giới Trung cổ. Sự giàu có của Đế chế Mali có được là từ những mỏ vàng tự nhiên ở Tây Phi. Bên cạnh đó, họ còn có những mỏ đồng và một nguồn vỏ bò vô tận (từng được sử dụng làm tiền tệ trong nhiều thế kỷ ở Châu Phi). Với nguồn tài nguyên vô hạn, vị vua này sở hữu trữ lượng vàng khổng lồ.

Theo các tài liệu mô tả Đế chế Mali bằng tiếng Ả Rập được viết vào thời điểm đó ghi chép lại cứ mỗi một thoi vàng mà người dân được trong miền đất của Mali, họ sẽ phải dâng lên nhà vua một nửa. Đây được coi là khoản “thuế” bắt buộc phải dâng lên nhà vua và Musa đã được cống nạp rất nhiều vàng.

Theo ước tính của Bảo tàng Anh, đế chế Mali dưới thời trị vì của Musa đã sở hữu gần một nửa trữ lượng vàng của Cựu thế giới (các vùng đất được người Châu Âu biết đến trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ năm 1492, bao gồm: Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và các hòn đảo bao quanh).

Trong suốt thời gian nắm quyền, Mansa Musa mở rộng khá nhiều lãnh thổ. Ông sáp nhập thành phố Timbuktu và tái thiết lập quyền lực ở Gao.Trải dài 3.200 km, đế chế Mali rộng bằng 9 quốc gia Châu Phi ngày nay cộng lại, bao gồm Senegal, Gambia, Guinea-Bissau, Cote d'Ivoire, Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania, và Chad.

Mali từng là một đế chế giàu có và thịnh vượng, một trung tâm thương mại và văn hóa có ảnh hưởng bao trùm lên cả khu vực Sahara và Tây Phi, lan sang tới cả Trung Đông và thậm chí tới Đông Á.

Nhà thờ Hồi giáo Djinguereber ở Timbuktu được xây dựng vào năm 1327 sau chuyến hành hương của Musa đến Mecca. Hiện di tích này vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Chuyến hành hương lịch sử

Năm 1324, cả thế giới biết đến khối tài sản khổng lồ của Mansa Musa khi ông thực hiện chuyến hành hương kéo dài hơn 6.400 km đến thánh địa Mecca. Chính điều này đã viết tên ông ấy vào lịch sử - một lịch sử không được biết đến nhiều bên ngoài Châu Phi.

Hoàng đế Musa được cho là đã mang theo 60.000 tùy tùng, 12.000 nô lệ và mỗi người đi theo sẽ mang 4lb (tương đương 1.81kg) vàng khối. 80 con lạc đà có nhiệm vụ chở 50-300lb (tương đương 22-136kg) bụi vàng.

Ông ấy cũng đóng những đoàn tàu dài chỉ để chở gia súc, hàng hóa và tất nhiên cả một khối lượng của cải lớn với rất nhiều vàng.

Các nhà sử học ước tính đoàn hành hương của Musa đã chi tiêu tổng cộng hết 12,3 tấn vàng dẫn đến sự mất giá trên khắp khu vực Trung Đông làm thiệt hại khoảng 1,5 tỷ USD cho nền kinh tế ở đây thời kỳ đó.

Mansa Musa qua đời năm 1337, sau khi cai trị đất nước 25 năm. Người kế vị ông là con trai, vua Maghan I. Nhiều di sản mà Mansa Musa để lại như lăng tẩm, thư viện, nhà thờ Hồi giáo là những bằng chứng cho thời kỳ vàng son của đế chế Mali dưới thời trị vì của vị vua huyền thoại.

Đế chế Mali tiếp tục thịnh vượng trong khoảng một thế kỷ sau đó lụi tàn. Vào giữa thế kỷ 15, các nhà thám hiểm đã phát hiện các mỏ vàng mới và tiếp cận bờ biển phía Nam Tây Phi, nằm ngoài biên giới Mali, khiến vương quốc không còn độc quyền khai thác vàng trong khu vực.

Ngoài ra, Mali cũng rơi vào cuộc chiến căng thẳng với nhiều quốc gia như Tuareg, Songhai... Tất cả đều nhắm vào mỏ vàng và lãnh thổ rộng lớn của Mali. Dù vua Musa hay Vương quốc Mali đã không còn nữa nhưng tên tuổi của ông vẫn gắn liền với một đế chế hưng thịnh và lưu truyền sử sách đến ngày nay.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới